Vốn FDI vào địa ốc TP.HCM xoay trục

Hai tháng đầu năm 2019, mặc dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường bất động sản TP.HCM giảm, song giới phân tích cho rằng, những điểm sáng đang xuất hiện.
Các phân khúc văn phòng cho thuê, khách sạn, khu công nghiệp tại TP.HCM được dự báo thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Các phân khúc văn phòng cho thuê, khách sạn, khu công nghiệp tại TP.HCM được dự báo thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại.

Tia sáng mới

Số liệu của UBND TP.HCM cho biết, kết thúc 2 tháng đầu năm 2019, tính cả vốn đầu tư mới và thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, Thành phố thu hút được 1,02 tỷ USD (bằng 94,7% so với cùng kỳ).

Trong đó, Thành phố chấp thuận cho 554 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 894,14 triệu USD (so với cùng kỳ, tăng 28% về số trường hợp và tăng 2,2% về vốn đầu tư). Đáng nói là, trong năm 2018, dòng vốn này chủ yếu vào ngành bất động sản và luôn chiếm 40%, nhưng nay hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 21,1%.

Trong bối cảnh giảm sút dòng vốn vào bất động sản, vẫn có những điểm sáng mới. Đơn cử, thời gian gần đây, có những thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản TP.HCM được tiến hành, như thương vụ Công ty TNHH VinaCapital Opportunity Fund chuyển giao 34,18% cổ phần của Green Park Estate, một dự ántổ hợp với quy mô 15,7 ha tại quận Tân Phú.

Bên cạnh đó, văn phòng cho thuê tiếp tục là một trong những phân khúc bất động sản hấp dẫn nhất trong khu vực. TP.HCM ghi nhận hoạt động thị trường văn phòng tốt nhất trong 5 năm qua với giá thuê trung bình tăng 8%/năm và công suất cho thuê rất cao, ở mức 97%.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, địa ốc là ngành đặc thù, không phải chỉ mỗi phân khúc nhà ở, mà còn có văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, khu công nghiệp cho thuê. Hiện một số doanh nghiệp đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết trên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng thực hiện dự án. Trong khi đó, nhiều tín hiệu cho thấy, trong những tháng tới, Thành phố sẽ không siết mạnh trong việc cấp phép dự án mới. Điều này sẽ khiến dòng vốn FDI tiếp tục đổ bộ vào bất động sản.

Một dự án đầy tiềm năng cho hút vốn FDI là việc TP.HCM đang kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đấu thầu phát triển Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 400 ha, với tổng mức vốn đầu tư là 29.992 tỷ đồng. 

Hiện đã có 10 doanh nghiệp tham gia đấu giá là Công ty TNHH Roytrade; CTCP Đầu tư quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; CTCP xử lý ùn tắc giao thông - môi trường; CTCP Quy hoạch - Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh CTCP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thailand) và CTCP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; CTCP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh. 

“Trong số 10 doanh nghiệp này, đa số là doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hiếu nói.

FDI hướng đến nhiều phân khúc

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, năm 2019, TP.HCM sẽ có những chính sách tốt để hút vốn FDI vào các ngành, trong đó có bất động sản. 

“Trong năm 2019, tổng dự toán thu ngân sách nhà nước được Trung ương giao TP.HCM là 399.125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,3% trong tổng dự toán thu cả nước. Trong đó, nhiều năm qua, ngành bất động sản đóng góp rất lớn cho ngân sách Thành phố. Chính vì vậy, Thành phố sẽ phải có nhiều biện pháp để hút vốn FDI vào ngành bất động sản”, ông Châu nói.

Mới đây, tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch phát triển tháng 3, do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì đã kết luận, Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các doanh nghiệp FDI… nhằm hút dòng vốn FDI. 

Đại diện Hội Môi giới bất động sản cho rằng, bất động sản TP.HCM đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới. 

Thay vì như trước đây, doanh nghiệp ngoại chủ yếu chú ý tới các dự án nhà ở, thì nay, phân khúc văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, khách sạn, khu công nghiệp đang được doanh nghiệp ngoại chú ý, bởi thị trường các phân khúc này đang phát triển mạnh mẽ, nhất là ngành du lịch Việt Nam đạt kỷ lục với 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa trong năm 2018, cùng mục tiêu đạt 20 triệu lượt khách vào năm 2020 và TP.HCM là điểm đến lớn của khách du lịch. Với những tiềm năng này, khi phân khúc nhà ở gặp khó trong cấp phép dự án mới, thì vốn FDI sẽ xoay trục đổ bộ vào các phân khúc nói trên.

Đồng quan điểm, Savills Việt Nam cho rằng, với triển vọng khả quan của nhiều phân khúc bất động sản tại TP.HCM, luồng vốn đầu tư sẽ hướng đến đa dạng nhiều phân khúc hơn, bao gồm các kênh đầu tư cơ hội như bất động sản công nghiệp và kho vận.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục