Vốn FDI từ châu Á sẽ chảy vào Hải Phòng

Hải Phòng đã có sự khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và có những tín hiệu cho thấy, vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Thành phố Cảng trong thời gian tới.
Vốn FDI từ châu Á sẽ chảy vào Hải Phòng

Cơ hội rộng mở

Trước khoảng 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào miền Bắc Việt Nam” do Hiệp hội các doanh nghiệp Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam (Beluxcham) mới đây, ông Đỗ Trung Thoại, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tự tin khẳng định, chưa  khi nào cơ hội đầu tư vào Thành phố Cảng lại rộng mở với nhà đầu tư như hiện nay.

Theo ông Thoại, hiếm địa phương nào ở miền Bắc lại có sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng với 5 phương thức (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường sông, đường biển) như Hải Phòng.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới thuộc loại hiện đại, tốt nhất Việt Nam hiện nay. Năm 2016, Sân bay quốc tế Cát Bi đã hoàn tất mở rộng, tạo thành một hệ thống vận chuyển hàng không công suất lớn ở miền Bắc (sau sân bay Nội Bài, Hà Nội) có khả năng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đi quốc tế. Cảng Lạch Huyện mới sẽ được khai thác trong năm tới, cho phép tàu có mớn nước 14 mét hoặc trọng tải 100.000 DWT cập bến tại Hải Phòng, giảm thiểu thời gian chuyển tải các cảng như Singapore hay Hồng Kông…

“Những lợi thế so sánh này của Hải Phòng mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư nhờ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Thoại nói và cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nắm bắt cơ hội để đầu tư, triển khai dự án tại Hải Phòng.

Đến năm 2016, Hải Phòng đã cấp phép cho 490 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 14 tỷ USD. Riêng trong năm 2016, với 2,9 tỷ USD vốn FDI thu hút được, Hải Phòng đã vươn lên đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.HCM.

Hiện Hải Phòng vẫn còn quỹ đất khá lớn, ở những vị trí “vàng”. Đơn cử, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có tổng diện tích 22.540 ha, có thể mở rộng thêm 600 ha; 19 khu công nghiệp có diện tích 9.112 ha và 33 cụm công nghiệp có diện tích 2.284 ha.

“Một trong những lý do nhà đầu tư quyết định lựa chọn để triển khai dự án là có sẵn các khu công nghiệp sẵn sàng, đặt tại vị trí chiến lược gần các công trình hạ tầng mới được đầu tư, kết hợp với hệ thống tiện ích đáng tin cậy (gồm điện, nước, xử lý nước thải) và chính sách ưu đãi tốt nhất ”, ông Hans Kerstens, đại diện Tổ hợp khu công nghiệp Deep C chia sẻ và cho biết, đây là lý do mà nhiều nhà đầu tư đã triển khai những dự án có quy mô vốn lớn tại các khu công nghiệp của Deep C  như Bridgestone (Nhật Bản), Flat Glass (Hong Kong), Knauf (Đức)…

Đón dòng vốn lớn

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét, ngoài những lợi thế khá rõ về vị trí, hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực tốt, hiện Hải Phòng đang có những mô hình khu công nghiệp chất lượng. Trong đó, có 3 khu công nghiệp Deep C tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng diện tích hơn 1.500 ha.

Đầu tư bài bản, nghiêm túc của nhà phát triển hạ tầng nhằm đạt được những tiêu chuẩn khắt khe về xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ mội trường… đã khiến cho các khu công nghiệp Deep C không chỉ thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường mà còn có thể tiếp nhận cả các dự án dệt nhuộm hoặc có công đoạn xi mạ - vốn khá tốn kém chi phí để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

“Chưa nhìn thấy rõ dòng vốn đến từ châu Âu bởi khu vực này còn có những khó khăn nội tại nhưng có cơ sở để cho rằng, thời gian tới, các khu công nghiệp ở Hải Phòng sẽ đón dòng vốn lớn đến từ châu Á”, ông Ái nói và cho biết, có thể sẽ có thêm những dự án quy mô vốn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục