Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 212 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư 213 triệu USD; có 64 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 215,65 triệu USD.
Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 600 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Thành phố với tổng vốn góp đăng ký đạt 467,12 triệu USD.
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút được 895,74 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, các dự án FDI mới được cấp phép phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt động: Hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có vốn đầu tư nhiều nhất (36,2%) với 77,02 triệu USD; tiếp theo là Thông tin và truyền thông chiếm 24,8% với 52,84 triệu USD; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22,9% với 48,86 triệu USD; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 5,4% với 11,5 triệu USD.
Trong khi đó, các dự án FDI mới cấp phép, phân theo quốc tịch nhà đầu tư thì Malaysia có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (21,1%) với 44,92 triệu USD; tiếp theo là Đài Loan chiếm 16,6% với 35,38 triệu USD; Nhật Bản chiếm 16% với 34,04 triệu USD…
Tuy thu hút vốn FDI có khởi sắc so với cùng kỳ năm trước nhưng theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM không có mặt trong top 3 địa phương có số vốn FDI cao nhất cả nước. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD, chiếm 25,51% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, chiếm 14,48% tổng vốn đầu tư. Kiên Giang đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 1,28 tỷ USD chiếm 8,77% tổng vốn đầu tư.