Với kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%

(ĐTCK) Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NIFC) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

Việt Nam đã đạt được thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể 2,91% vào năm 2020 - một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020.

Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NIFC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025 có thể đạt mức 6,8%/năm.

Riêng năm 2021, NIFC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản chủ yếu.

Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế.

Nền tảng của kịch bản này là việc một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021.

Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%.

Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam trung hạn 2021 – 2025: Phục hồi và tăng tốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF/MPI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, COVID19 trong năm 2020 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021 - 2025.

"Nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS. Jonathan Pincus, UNPD cho rằng, trong giai đoạn chuyển từ trạng thái "Covid" sang "Phục hồi hậu Covid", việc hỗ trợ, thúc đẩy một cách tản mạnh sẽ khó thành công. Thay vào đó, có thể dựa trên 2 tiêu chí để định hướng chính sách kinh tế hậu Covid.

Thứ nhất, tập trung xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ hai, cải thiện năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực tăng năng suất lao động, tạo việc làm, trả lương cao hơn và đang sẵn sàng đào tạo lao động.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục