Cách nơi các đại biểu ngồi nghe báo cáo này chỉ vài trăm mét, Tòa nhà 8B - Lê Trực thuộc “khu vực đặc thù”, đã được nhắc đến như một điển hình về vi phạm trật tự xây dựng đô thị, vượt quy định 5 tầng, xâm phạm quy hoạch không gian xây dựng vốn được kiểm soát rất chặt chẽ. Bốn năm trôi qua, việc tháo dỡ, “cắt ngọn” phần vi phạm của tòa nhà này vẫn chưa xong.
Đó chỉ là một ví dụ cho tình trạng vi phạm về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị diễn ra tại Hà Nội.
Tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận về việc TP. Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi đối với 52 nhà đất do Thành phố quản lý tại các con đường đắt đỏ nhất của địa phương sang mục đích khác.
Còn ở TP.HCM, việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đại tại Thủ Thiêm, Hóc Môn, Củ Chi... hoặc cổ phần hóa, đấu giá những khu “đất vàng” ở Trung tâm Thành phố vẫn tiếp tục là những điểm nóng.
Trên khắp cả nước, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua các kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm số tiền hơn 3.600 tỷ đồng, hơn 19.200 ha đất. Riêng trong năm 2018, chỉ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.127 cuộc thanh tra, phát hiện 827 đơn vị có vi phạm số tiền trên 465 tỷ đồng và 9.759 ha đất.
Đó là những con số cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã và đang "nóng" đến mức nào.
Ngay trong quá trình thực hiện chương trình giám sát này, ngoài việc phát hiện ra lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, các quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ, các quy định chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, thì Đoàn giám sát còn chỉ ra rằng, công tác quản lý đất đai tại đô thị còn có biểu hiện buông lỏng. Mà điển hình nhất là việc cấp phép xây dựng tràn làn, vượt quy hoạch tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Cùng với việc phá vỡ quy hoạch bằng việc cấp phép xây dựng tràn lan, ngoài quy hoạch là việc chậm trễ trong ban hành các quy định xây dựng. Các địa phương chậm trễ trong ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc khiến hàng loạt nhà cao tầng vẫn mặc nhiên được phép mọc lên. Nhiều địa phương đã có quy hoạch chung nhưng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn mù mờ. Thậm chí, nhiều quy định liên quan đến mật độ xây dựng, khoảng lùi, số lượng tầng nhà, chiều cao tối đa tầng nhà… còn chưa thực hiện đúng theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.
Nhưng câu chuyện “vỡ trận quy hoạch” cấp phép tràn lan nhà cao tầng ở các thành phố lớn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều bức xúc khác liên quan đến câu chuyện quy hoạch đang diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn không kém. Đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện đã phá vỡ quy hoạch đô thị, gây hệ lụy lớn cho xã hội.
Câu chuyện “vỡ trận quy hoạch” cấp phép tràn lan nhà cao tầng ở các thành phố lớn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Điển hình là từ đầu năm 2019, tại Hà Nội đã diễn ra một số vụ việc điều chỉnh quy hoạch dẫn đến sự bức xúc của người dân như việc dự án khu đô thị Đoàn Ngoại giao, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Công viên Cầu Giấy, Khu đô thị Thanh Hà… Dưới cái mũ “điều chỉnh quy hoạch”, các khu đất dành làm đường đi, công viên, khu sinh hoạt vui chơi đã biến thành nhà chung cư và các công trình phi xã hội khác, gây bức xúc trong dư luận.
Vỡ quy hoạch sẽ khiến hệ thống giao thông quá tải, gây ùn tắc thường xuyên; hạ tầng giáo dục, trường học không theo kịp; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đang khiến chất lượng cuộc sống biến thiên theo hướng tỷ lệ nghịch với chiều cao và số lượng chung cư mọc lên tại các đô thị.
Chúng ta vẫn còn cơ hội để sửa sai, vãn hồi thế trận quy hoạch nếu tất cả các dự án, quy hoạch đều được công khai, minh bạch để nhận được sự phản biện, tham vấn rộng rãi toàn xã hội. Cùng với đó, vai trò quản trị của nhà nước trong xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phải được nâng lên tầm cao hơn đáp ứng nhu cầu phát triển mới của xã hội.