VNPT và Viettel đã sẵn sàng triển khai Mobile Money

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đề nghị được thực hiện Mobile Money, sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán thay tiền mặt.
VNPT và Viettel đã sẵn sàng triển khai Mobile Money

Việt Nam sẽ sớm triển khai Mobile Money

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ này cho biết, tháng 1/2019, trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác về cách mạng công nghiệp 4.0 với WEF. Ngay sau khi ký thỏa thuận, Việt Nam sẽ cùng WEF hợp tác thực hiện Dự án Mobile Money.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc sẽ thí điểm Mobile Money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân để kích thích kinh tế tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đang rốt ráo chuẩn bị cho dự án này và đã đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia thanh toán điện tử. Lý do là việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện cần có tài khoản ngân hàng, mà số tài khoản ngân hàng mới phủ tới 30-40% người dân. Trong khi đó, hệ thống tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số.

VNPT và Viettel đều đã sẵn sàng

Trong cuộc thăm và làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đầu tuần trước, lãnh đạo VNPT một lần nữa đề xuất cho phép đơn vị này triển khai dịch vụ Mobile Money. Tập đoàn này nhận định, đây là xu hướng chung của thế giới. Theo đó, với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay, Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ này.

“Chúng tôi đã sẵn sàng. Về vốn, thậm chí đã đủ vốn điều lệ để thành lập một ngân hàng”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT cho biết.

Còn ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), khi phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng đã đề nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia phát triển thanh toán số (gồm những dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ).

Theo phân tích của lãnh đạo Viettel, thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn đối với khu vực nông thôn thì hầu như chưa có gì.

“Phương án sử dụng tài khoản thuê bao di động ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, ông Dũng khẳng định.

Việt Nam có giao dịch phi tiền mặt thấp nhất khu vực

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Số người Việt Nam có tài khoản ngân hàng cũng chỉ đạt 30% dân số, tập trung ở thành thị.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục