VN-Index “treo” hơn một tiếng, cả nhà đầu tư và nhà tạo lập thị trường kêu khó khi không thể hủy/sửa lệnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đứng yên từ 9h45 đến 11h với mức tăng 2 điểm, thanh khoản mới 4.500 tỷ đồng dù các nhóm cổ phiếu khác đã vượt xa mức này, nhưng 15 phút trước giờ nghỉ trưa, VN-Index đột ngột rớt 25 điểm - mức điều chỉnh mạnh nhất từ cuối tháng 4 trở lại đây.
VN-Index “treo” hơn một tiếng, cả nhà đầu tư và nhà tạo lập thị trường kêu khó khi không thể hủy/sửa lệnh

Sau giai đoạn tăng bền bỉ nhiều tuần qua, đặc biệt là tuần tăng “nóng” cuối tháng 5, tâm lý chốt lời để bảo vệ thành quả được kích hoạt, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau hơn một tiếng mở cửa, sắc đỏ phủ khắp thị trường và chỉ số đại diện cho các rổ đều giảm mạnh. VN30-Index lúc 11h mất hơn 30 điểm, còn VNXAllShare mất gần 46 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán nhận định, nhịp rung lắc, điều chỉnh là cần thiết sau giai đoạn tăng nóng và xu hướng tăng ngắn hạn có thể chưa thay đổi.

Tổng khối lượng giao dịch trong phiên sáng nay (7/6) đạt hơn 580 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 19.734 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh hơn 19.200 tỷ đồng. VPB và HPG vẫn đứng đầu về thanh khoản khi lần lượt đạt 1.970 tỷ đồng và 1.118 tỷ đồng. Trong số 10 cổ phiếu góp phần vào đà giảm mạnh của VN-Index trong sáng nay, có đến 8 mã ngân hàng, dẫn đầu là VCB mất 2,8%, BID mất 5%, CTG mất 5,4%. Ở chiều ngược lại, VIC tăng 2,9% lên 124.100 đồng để trở thành trụ đỡ quan trọng.

Đáng chú ý, trước tình trạng giảm điểm mạnh, ở một số cổ phiếu giá nhảy liên tục, còn ở một số cổ phiếu tình trạng giá khớp và giá đặt mua, bán "cách nhau cả mét"…, nhưng nhà đầu tư không thể sửa/hủy lệnh để khớp được. Chính vì vậy, tình trạng dùng lệnh thị trường (MP) lại diễn ra.

Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động market maker (tạo lập thị trường) cho quỹ, chứng quyền. Một vài lãnh đạo quản lý quỹ cho biết, “bản thân quỹ cũng phải đánh tù mù”.

Thông thường, các nhà tạo lập thị trường khi ra quyết định bán hay mua một cổ phiếu, sẽ đưa ra con số về khối lượng và khoảng giá để môi giới đặt lệnh. Trong một phiên cụ thể thì môi giới luôn cố để giá mua hoặc bán gần nhất với giá trung bình của phiên đó, chứ không cố gắng mua thật thấp hay bán thật cao. Tuy nhiên, với hiện trạng này, họ không thể thực hiện được việc bán hay mua một cách chủ động, vì đã đặt là không hủy được.

“Các quỹ đều đặt lệnh mua - bán theo giá trung bình thị trường, làm gì có quỹ nào phang lệnh MP để giao dịch”, một lãnh đạo quản lý quý chia sẻ.

Ghi nhận ý kiến của một số giám đốc phân tích công ty chứng khoán cho thấy, tình trạng không hủy/sửa lệnh nhằm đảm bảo cho hệ thống không bị “báo động”, hoạt động mượt mà hơn. Cũng vì thế, các phiên gần đây, các nhà đầu tư chùng lại, cân nhắc hơn trong đặt lệnh.

Trong điều kiện bình thường thì không ảnh hưởng đến thị trường, nhưng vấn đề hiện nay là giá giao dịch không phản ánh kịp trên bảng điện, trong khi các nhà đầu tư hay “canh lệnh” và hiện không được hủy/sửa lệnh sẽ dẫn đến tình huống là khi thấy giá không khớp được, thì họ cũng không thể làm gì. Theo đó, dùng lệnh MP là cách được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, gây tác động kép không tích cực khi thị trường có nhịp chỉnh như sáng nay.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục