Nghẽn lệnh: Rủi ro khi gió đổi chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giải pháp dừng, kiểm soát huỷ lệnh, sửa lệnh giúp hệ thống giao dịch hạn chế nguy cơ bị nghẽn, nhưng đây có thể là “con dao hai lưỡi” nếu thị trường đảo chiều.
Nghẽn lệnh: Rủi ro khi gió đổi chiều

Thêm cơ hội cho nhà đầu tư…

Sau khi phiên chiều 1/6/2021 phải dừng giao dịch vì hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) quá tải, các công ty chứng khoán theo yêu cầu của Sở đã không sửa lệnh, huỷ lệnh trong khung thời gian cao điểm để đảm bảo hiệu quả của giao dịch.

Theo thông tin từ HOSE, sự đồng lòng, chung tay của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư đối với việc kiểm soát sửa/huỷ lệnh đã giúp tỷ lệ sửa/huỷ lệnh giảm từ bình quân 33,5% xuống dưới 18% số lệnh trong phiên giao dịch ngày 3/6.

Điều này mang lại thêm cơ hội giao dịch thành công cho các nhà đầu tư, đưa giá trị khớp lệnh lập kỷ lục mới. Đáng nói hơn, giá trị giao dịch trên HOSE đã vươn lên vị trí thứ hai trong ASEAN, vượt thị trường Singapore, dù tổng giá trị vốn hoá chưa bằng 1/3.

Ngày 3/6, trên HOSE, giá trị giao dịch (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận) đạt 29.300 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên 2/6 và là mức cao chưa từng có. Kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ trong phiên sau đó (4/6), giá trị giao dịch đạt 31.300 tỷ đồng.

Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, dòng tiền đổ vào mạnh mẽ, dường như nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc có thể giao dịch được hay không.

Lãnh đạo HOSE chia sẻ, tỷ lệ lệnh sửa/huỷ phiên 4/6 tiếp tục giảm còn 10,64% và có thêm khoảng 200.000 lệnh được khớp.

Trong lần nghẽn lệnh, thậm chí ngừng giao dịch như phiên chiều 1/6, thì trạng thái cảm xúc của nhà đầu tư không còn quá bức xúc, căng thẳng như giai đoạn trước đó, một phần là do đa phần nhà đầu tư đang có lãi tốt, nghẽn lệnh không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch và thị giá cổ phiếu.

Việc áp dụng không sửa, huỷ lệnh buộc nhà đầu tư phải tính toán kỹ hơn khi đặt lệnh và nhất là không đua lệnh. Nhưng thanh khoản của thị trường vẫn tăng cao cho thấy sự hưng phấn của dòng tiền.

Nhiều nhà đầu tư đã chuyển qua giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc UPCoM nhằm tránh rủi ro giá chứng khoán trên HOSE điều chỉnh, nhất là khi các nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép tăng giá nhanh và mạnh trong thời gian ngắn.

Anh Vân Nguyễn, một nhà đầu tư lâu năm tại Công ty Chứng khoán VPS nhận xét: “Nhóm ngân hàng đang được định giá lỏng hơn trước nhiều, P/E mười mấy lần, trong khi giai đoạn trước đây chỉ từ 6 - 8 lần và P/B dao động quanh 1 lần. Nhóm chứng khoán cũng dồn dập tăng giá mạnh khiến P/E ở mức cao. Dòng tiền đang coi những định giá này là hợp lý”.

Trong đà tăng của cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng đã xuất hiện yếu tố ảo khi nhìn vào từng cổ phiếu.

Cuối tuần qua, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra định giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội là 25.000 đồng/cổ phiếu trong tầm nhìn 1 năm, trong khi thị giá hiện tại là 33.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, cổ phiếu của một công ty chứng khoán thua lỗ, nguy cơ phá sản vẫn có mức tăng giá tính bằng lần.

Điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn tăng tiếp tục cho thấy sự hưng phấn của dòng tiền.

Điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn tăng tiếp tục cho thấy sự hưng phấn của dòng tiền.

Dòng tiền bắt đầu lan toả sang các cổ phiếu chưa tăng nhiều sau khi thiết lập nền giá vững ở nhóm ngành khoáng sản, dệt may, cao su, dầu khí.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường đảo chiều mà nhà đầu tư không thể huỷ lệnh, sửa lệnh? Để lệnh bán có khả năng cao là sẽ được khớp, nhà đầu tư sẽ phải đặt lệnh thị trường (MP), chấp nhận rủi ro khớp với giá thấp hơn dự kiến.

… Nhưng căng thẳng có thể tái diễn

Việc công ty chứng khoán dừng, kiểm soát huỷ lệnh, sửa lệnh được áp dụng khi việc cơi nới năng lực xử lý lệnh của HOSE là không thể thực hiện ngay. Đồng thời, hệ thống cũng bị giới hạn bởi số lượng lệnh vào hệ thống tại một thời điểm, trong khi thanh khoản tiếp tục tăng bởi số người tham gia tăng cao, tạo áp lực cho hệ thống giao dịch cho đến đầu tháng 7/2021 khi vận hành hệ thống của FPT.

Số liệu từ FiinPro cho thấy, số lượng lệnh mua và bán trong mỗi phiên tăng dần từ đầu năm 2021 đến nay. Cụ thể, giai đoạn tháng 1 đến tháng 3, số lệnh mua mỗi phiên từ 300.000 - 400.000, số lệnh bán từ 200.000 - 300.000, tổng cộng khoảng 500.000 - 700.000 lệnh.

Sang tháng 4, số lệnh mua mỗi phiên từ 300.000 - 500.000, số lệnh bán từ 250.000 - 370.000. Đến tháng 5, số lệnh mua mỗi phiên từ 380.000 - 480.000, số lệnh bán dưới 400.000. Đặc biệt, phiên 31/5, số lệnh mua là hơn 500.000, số lệnh bán là hơn 346.000 lệnh.

Trong đó, dòng cổ phiếu hút tiền như ngân hàng, thép, chứng khoán… có lượng lệnh giao dịch tăng vọt. Đơn cử, cổ phiếu HPG phiên 31/5 - ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 40% mệnh giá, số lệnh đặt mua hơn 64.400, gấp 3 lần số lệnh mua bình quân trong tháng 5, còn số lệnh bán hơn 9.700, tương đương các phiên khác. Các phiên tiếp theo, số lệnh mua HPG vẫn tăng so với bình quân trước đó, đạt 38.000 - 45.000 lệnh; số lệnh bán cũng tăng, nhưng cao nhất chỉ là 16.000 lệnh.

Những cổ phiếu được doanh nghiệp phát hành thêm thông qua thưởng, trả cổ tức, huy động vốn mới, góp phần giúp thành khoản tăng cao.

Theo dữ liệu của FiinPro, trong quý I/2021, có 43 doanh nghiệp đã huy động gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020.

Nhà đầu tư cần dự liệu rủi ro từ việc quá tải hệ thống có thể xảy ra nghiêm trọng hơn những gì đã từng xảy ra để có phương án quản trị rủi ro cho danh mục.

Đây là mức cao nhất cả về khối lượng cũng như giá trị phát hành tăng vốn theo quý kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Lượng cổ phiếu này từng bước được chuyển về tài khoản của nhà đầu tư, góp phần đưa thanh khoản trên thị trường tăng dần trong quý II và sẽ tiếp tục trong quý III.

Cho đến khi có hệ thống mới của FPT thay thế, hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE được đặt trong trạng thái kiểm soát đặc biệt. Do đó, nhà đầu tư cần dự liệu được rủi ro từ việc quá tải hệ thống có thể xảy ra nghiêm trọng hơn những gì đã từng xảy ra để có phương án quản trị rủi ro cho danh mục.

Ở góc nhìn tích cực hơn, các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường nhìn nhận, HOSE phải ngắt mạch giao dịch là một minh chứng thuyết phục về dòng tiền khổng lồ đang dồn vào thị trường chứng khoán. Do vậy, bất kỳ nhịp rung lắc, điều chỉnh nào cũng chỉ là để phục vụ quá trình chuyển dòng, cơ cấu danh mục, hạ nhiệt dòng nóng, tăng nhiệt dòng lạnh.

Thị trường sẽ tăng lên những mốc cao hơn, tuy nhiên, tốc độ luân chuyển dòng tiền cũng sẽ ngày càng nhanh hơn.

Việc HOSE quyết định ngừng giao dịch phiên chiều 1/6, lấy giá khớp lệnh cuối phiên sáng làm mức giá đóng cửa, tham chiếu cho phiên sau, khiến không ít nhà đầu tư thất vọng, bởi hiện tượng nghẽn lệnh đã xảy ra từ nhiều tháng trước mà đến nay vẫn chưa được khắc phục, trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ. Một số nhà đầu tư chia sẻ, họ không dám đổ tiền vào thị trường vì sợ hệ thống bị nghẽn, bị sập, mà giữ tiền trong tài khoản, chờ hệ thống thực sự ổn định trở lại.

Trong khi đó, phần mềm giao dịch của một số công ty chứng khoán bị lỗi. Như phiên giao dịch sáng 3/6, nhà đầu tư kêu trời khi không thể vào được app của VNDIRECT để thực hiện giao dịch, còn app của Chứng khoán Teccombank thường xuyên trục trặc.

Chị Trần Lan Hương, nhà đầu tư tại VNDIRECT than thở: “Sáng 3/6, tôi muốn chốt lời cổ phiếu mà mở app thấy bảng giao dịch trắng xóa, không thể nào thực hiện được. Tôi mất khá lâu mới vào lại được app”.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng, nhiều người chọn đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng, đây là cơ hội có một không hai để phát triển thị trường vốn. Để bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần tăng kiểm tra, giám sát để giữ thị trường minh bạch cũng như nhanh chóng hoàn thiện hệ thống để có thể đáp ứng với quy mô thị trường lớn hơn, đa dạng sản phẩm hơn, chứ không nên kiểm soát dòng tiền vào thị trường.

Nhà đầu Hà Anh cho rằng, cơ quan quản lý nên đẩy nhanh việc thay đổi hệ thống giao dịch của các sàn. Lượng tiền trong dân còn nhiều, nếu không phổ cập chứng khoán, xóa mù cổ phiếu, thì lượng tiền sẽ chảy qua các kênh đầu tư không chính thống, bất hợp pháp như đánh bạc, đa cấp biến tướng, forex…

Về việc tạm dừng tính năng sửa lệnh giao dịch, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, hoạt động này góp phần hạn chế tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE, giảm áp lực lên hệ thống giao dịch. Đồng thời, Công ty khuyến nghị nhà đầu tư không chia nhỏ các lệnh giao dịch, mà đặt các lệnh với khối lượng tối đa theo nhu cầu đầu tư trong phiên và cân nhắc giao dịch vào phiên sáng nhằm chủ động kế hoạch đầu tư trong bối cảnh hiện tại.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Thanh Hải, cho hủy, sửa lệnh nên số lệnh được khớp thấp hơn, nay không cho hủy, sửa lệnh sẽ làm tăng số lệnh được khớp, giá trị giao dịch tăng lên là một tín hiệu tốt.

Minh Tuệ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ