VN-Index ở đâu trên đồ thị lợi nhuận và rủi ro của index thế giới?

(ĐTCK-online) Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến, nhận định khác nhau về độ rủi ro, tỷ suất lợi nhuận và những vấn đề liên quan của TTCK Việt Nam. Nhằm góp tiếng nói vào vấn đề trên, chúng tôi giới thiệu bài viết của thạc sĩ Lâm Minh Chánh, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ QTKD về đề tài chứng khoán Việt Nam. Bài viết mô tả bức tranh tổng thể về tỷ suất lợi nhuận và mức độ rủi ro của VN-Index so với các chỉ số chứng khoán khác của châu Á và một số chỉ số của TTCK phát triển như Úc, Anh, Mỹ.

Nguồn dữ liệu và phương pháp tính

- Ở đây chúng ta giả định rằng, index như là một cổ phiếu, nghĩa là chúng ta có thể đầu tư dàn trải cho tất cả cổ phiếu theo tỷ lệ tương ứng như khi tính index. Vì khuôn khổ giới hạn, bài viết chỉ đưa ra kết quả dữ liệu và không đi sâu vào phân tích.

- Bài viết sử dụng giá đóng cửa (close price) lưu trữ trên website finance.yahoo.com. Đối với các chỉ số index, vì độ phức tạp của nó, giá đóng cửa sẽ được giả định bằng với giá đóng cửa điều chỉnh. Nghĩa là chúng ta bỏ qua phần ảnh hưởng của cổ tức và việc tách, thưởng cổ phiếu cho tất cả các index. Việc bỏ qua này có thể tạm chấp nhận được vì sự ảnh hưởng của cổ tức, tách, thuởng cổ phiếu là không quá lớn đối với toàn thị truờng và theo một tỷ lệ gần bằng nhau giữa các thị trường. Thế nhưng  khi tính tỷ suất lợi nhuận và rủi ro của từng cổ phiếu, chúng ta bắt buộc phải dùng giá đóng cửa điều chỉnh (adjusted close price). Đó là giá đóng cửa đã được điều chỉnh để thể hiện đúng lợi nhuận của nhà đầu tư. Như thế việc phân tích, so sánh cổ phiếu mới chính xác. Ở Việt Nam , hiện chưa có cơ quan nào cung cấp giá điều chỉnh này. Trong bài sau, viết về tỷ suất lợi nhuận và độ rủi ro của các cổ phiếu của VN-Index, chúng tôi sẽ giới thiệu cách tính giá đóng cửa điều chỉnh cho các cổ phiếu có chia cổ tức, thưởng hay tách cổ phiếu.

- Riêng đối với VN-Index, do chưa có số liệu trên finance.yahoo.com, nên người viết dùng giá đóng cửa kỳ (tháng, tuần) được tính toán dựa vào giá đóng cửa hàng ngày do Vietstock cung cấp cho người đặt mua chương trình Meta Stock.

- Tỷ suất lợi nhuận từng kỳ được tính = (giá đóng cửa kỳ sau - giá đóng cửa kỳ  trước)/giá đóng cửa kỳ trước* 100%. 

- Dùng công thức Average chúng ta tính được tỷ suất lợi nhuận trung bình kỳ.

- Tỷ suất lợi nhuận trung bình/năm (Annualized return) sẽ bằng tỷ suất lợi nhuận kỳ nhân với số kỳ trong 1 năm. Đới với tháng, số kỳ = 12, đối với tuần, số kỳ = 52.

Thống kê tỷ suất lợi nhuận và độ lệch chuẩn tại TTCK các nước giai đoạn 8/2000 – 7/2007

 

Viết tắt

Chỉ số chứng khoán

Tỷ suất lợi nhuận
trung bình/năm

(Annualised Monthly Return)

Độ lệch chuẩn

-Mức độ rủi ro

VN

VNIndex - Việt Nam

44,44%

42,15%

IN

Jakata Composite – Indonesia

26,17%

22,23%

BSE 30 – Ấn Độ

19,94%

22,96%

KR

KS11  Seoul Composite - Hàn Quốc

18,71%

25,93%

TQ

Shanghai Composite - Trung Quốc

13,11%

24,86%

UC

All Ordinaries – Úc

10,04%

9,85%

ML

KLSE Composite – Malaysia

9,34%

16,25%

SGP

Strait Times Index – Singapore

9,11%

16,54%

TW

TSEC Weighted Index - Đài Loan

6,69%

26,14%

HK

Hang Seng - Hồng Kông

6,10%

17,91%

DJ

Dow Jones Industrial – Mỹ

4,00%

13,67%

JP

Nikkei 225 – Nhật Bản

2,49%

16,80%

SP

S&P 500 Index – Mỹ

1,09%

13,56%

AQ

FTSE 100 – Anh quốc

0,65%

12,80%

ND

Nasdaq Composite – Mỹ

-3,07%

25,49%

Đồ thị tỷ suất lợi nhuận và độ lệch chuẩn từ

 tháng 8/2000 đến tháng 7/2007

VN-Index ở đâu trên đồ thị lợi nhuận và rủi ro của index thế giới?  ảnh 1

- Mức độ rủi ro kỳ sẽ được tính bằng công thức tính độ lệch chuẩn (Standard Deviation) của chuỗi tỷ suất lợi nhuận. Độ lệch chuẩn năm sẽ bằng độ lệch chuẩn kỳ nhân với căn bậc hai của số kỳ trong năm.  Xin được nói thêm về rủi ro và độ lệch chuẩn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hầu hết các rủi ro, từ rủi ro hệ thống cho đến rủi ro không hệ thống sẽ được thể hiện qua sự thay đổi của giá và dẫn đến sự biến động của tỷ suất lợi nhuận. Một tài sản hay cổ phiếu được xem có mức rủi ro thấp khi tỷ suất lợi nhuận không khác biệt nhiều so với tỷ suất lợi nhuận trung bình. Ngược lại một tài sản hay cổ phiếu được xem có mức rủi ro cao khi tỷ suất lợi nhuận khác biệt khá nhiều so với tỷ suất lợi nhuận trung bình. Độ lệnh chuẩn được dùng để đo độ lệch pha không mong muốn này. Theo thống kê, sẽ có 68,2% xác suất để tỷ suất lợi nhuận nằm trong khoảng tỷ suất lợi nhuận trung bình cộng hay trừ  1 độ lệch chuẩn; có 95,4% khả năng để tỷ suất lợi nhuận nằm trong khoảng tỷ suất lợi nhuận trung bình cộng hay trừ  2 độ lệch chuẩn.

Minh họa: một cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận trung bình là 10%, độ lệnh chuẩn là 12%. Theo đó sẽ có 68,2% xác suất để tỷ suất lợi nhuận biến thiên trong khoảng -2% cho đến 22% và có 95,4% xác suất để tỷ suất lợi nhuận nằm trong khoảng -14% cho đến 34%. Như vậy khi độ lệch chuẩn càng cao thì khả năng "lệch" của tỷ suất lợi nhuận càng cao so với tỷ suất lợi nhuận trung bình, tức là cổ phiếu có mức độ rủi ro càng cao.

 

VN-Index: "nhà vô địch" về tỷ suất lợi nhuận

Dùng 84 số đóng cửa hàng tháng thể hiện cho 83 tháng từ tháng 8/2000 đến tháng 7/2007 và áp dụng phương pháp tính như trên, chúng ta sẽ có được số liệu và đồ thị sau đây (Hình ở trang 18).

Có thể thấy, trong 7 năm đầu tiên này, VN-Index có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với các index khác vốn đã phát triển lâu và cao hơn cả những index cũng mới phát triển. Dĩ nhiên độ rủi ro của VN index cũng cao hơn những index khác. Hơn thế nữa, khi so sánh 7 năm đầu tiên của VN-Index với 7 năm đầu tiên của một số index có số liệu trên finance.yahoo.com chúng ta sẽ thấy, đồ thị của VN-Index cũng khá vượt bậc về cả tỷ suất lợi nhuận và độ rủi ro.

 

Thống kê tỷ suất lợi nhuận và độ lệch chuẩn tại TTCK các nước giai đoạn 7/2006 – 7/2007

 

Viết tắt

Chỉ số Index

Tỷ suất lợi nhuận
trung bình/năm

(Annualised Weely Return)

Độ lệch chuẩn – Mức độ rủi ro

TQ

Shanghai Composite – Trung Quốc

89,43%

27,62%

VN

VN-Index - Việt Nam

85,19%

33,28%

IN

Jakata Composite – Inđonêsia

60,36%

15,71%

KR

KS11 – Seoul Composite

45,58%

13,54%

SGP

Strait Times Index - Singapore

44,20%

13,06%

AN

BSE 30 – Ấn Độ

43,09%

16,26%

ML

KLSE Composite – Maylasia

41,34%

13,81%

TW

TSEC Weighted Index – Đài Loan

40,73%

9,86%

HK

Hang Seng - Hồng Kông

34,80%

14,18%

ND

Nasdaq Composite – Mỹ

29,51%

13,40%

UC

All Ordinaries – Úc

26,75%

8,84%

DJ

Dow Jones Industrial – Mỹ

24,83%

10,20%

SP

S&P 500 Index – Mỹ

21,81%

10,09%

JP

Nikkei 225 – Nhật Bản

21,12%

12,50%

AQ

FTSE 100 - Anh Quốc

14,83%

12,00%

Đồ thị tỷ suất lợi nhuận và độ lệch chuẩn từ

tháng 7/2006 đến tháng 7/2007

VN-Index ở đâu trên đồ thị lợi nhuận và rủi ro của index thế giới?  ảnh 2

VN-Index đang song hành với SSEC (Trung Quốc)

Dùng 53 số đóng cửa hàng quý trong 52 tuần qua và áp dụng phương pháp tính như trên, chúng ta sẽ có được số liệu và đồ thị sau đây.

Có thể thấy chỉ số SSEC Shanghai Composite của Trung Quốc sau một thời gian bình lặng đã phát triển mạnh vào cuối năm 2005 và chớm qua mặt Việt Nam trong năm vừa qua, để cùng trở thành hai index đứng đầu về cả tỷ suất lợi nhuận và mức độ rủi ro. Về bình diện chung, tỷ suất lợi nhuận trung bình trong năm qua của các index khác, kể cả các index của thị trường Mỹ và  Anh cũng cao hơn nhiều  so với trung bình 7 năm vừa qua.

 

 Thay cho lời kết

Về cơ bản, các cổ phiếu phía trên và bên tay trái trên đồ thị - lợi nhuận cao, rủi ro thấp -  là những cổ phiếu có hiệu quả đầu tư cao và sẽ là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư.  Kế đó, nếu người đầu tư chấp nhận rủi ro để đạt lợi nhuân cao thì nhóm cổ phiếu nằm phía trên và bên tay phải - lợi nhuận cao, rủi ro cao - sẽ được chọn. Còn nếu người đầu tư không thích rủi ro cao, thì nhóm cổ phiếu nằm phía dưới và bên tay trái - lợi nhuận vùa phải, rủi ro thấp, sẽ được lựa chọn. Nhóm cổ phiếu nằm phía dưới và bên tay phải là những cổ phiếu không hiệu quả. Rõ ràng VN index nằm trong nhóm thích hợp cho các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để có lợi nhuận cao. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro vừa phải, VN index là một lựa chọn tuyệt vời để đưa vào danh mục đầu tư cùng với một vài index khác có tác dụng bù trừ rủi ro lẫn nhau, Khi đó danh mục đầu tư sẽ có tỷ suất lợi  nhuận và độ rủi ro thấp hơn VN Index.  Đó là đối với những nhà đầu tư có khả năng đầu tư trên các index khác nhau. Còn đối với nhà đầu tư Việt Nam chỉ  đựoc đầu tư trong nuớc, thì việc xác định tỷ suất lợi nhuận và mức độ rủi ro của từng nhóm cổ phiếu là hết sức quan trong. Bài viết sau  chúng tôi sẽ giới thiệu vị trí của các cổ phiếu Việt Nam trên đồ thị tỷ suất lợi nhuận và rủi ro.

Lâm Minh Chánh, MBA
Lâm Minh Chánh, MBA

Tin cùng chuyên mục