Mất điểm vì được “nuôi” bằng margin
Chia sẻ với NĐT tại Hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK cuối năm 2014, đầu 2015, do BSC vừa tổ chức, trả lời câu hỏi mà nhiều NĐT đặt ra là lý do gì khiến TTCK trong những phiên gần đây (nhất là phiên ngày 16/10, VN-Index mất hơn 17 điểm), liên tục đi xuống, ông Long đưa ra hai lý do chính, ngoài yếu tố mang tính chu kỳ sau khi thị trường đã tăng khá nóng.
Đầu tiên, đó là trong hai tuần qua, các quỹ ETF ngoại bắt đầu thoái vốn, nên đã tác động không tích cực đến tâm lý cũng như xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Tuy FED sớm đưa ra lộ trình cắt giảm gói QE3 vào tháng 10/2014, nhưng xu hướng bán mạnh ở các thị trường chủ chốt như: Mỹ, châu Âu chỉ bắt đầu từ giữa tháng 9/1014. Khi các thị trường ở các nước phát triển giảm mạnh, đồng thời việc chấm dứt gói QE3 đang khiến dòng vốn đầu tư sắp xếp lại theo hướng thoái ở các thị trường rủi ro như thị trường mới nổi, thị trường biên và đầu tư trở lại ở các nước chính quốc.
Thông thường, như các lần NĐT nước ngoài bán ròng mạnh trước, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng trễ hơn so với TTCK thế giới khoảng từ 1- 2 tuần.
Cụ thể, từ ngày 1- 16/10, khối ngoại đã đột ngột bán ròng 1.070 tỷ đồng. Việc nhận định về quy mô và cường độ bán ra của khối ngoại, trong đó có các quỹ ETF là không đơn giản. Tuy nhiên, ảnh hưởng của QE3 đang giảm đi về cường độ và quy mô, nên đợt bán ròng của khối ngoại (hai quỹ ETF) có thể sẽ không kéo dài quá 10 ngày như đợt tháng 8/2013. So với 2 đợt bán ròng của khối ngoại trong năm 2013, xét cả về thời gian và mức độ điều chỉnh của điểm số, thì VN- Index đã đi được phần lớn chặng đường.
Nguyên nhân tiếp theo khiến TTCK giảm điểm trong những phiên gần đây, là do thị trường được “nuôi” bằng margin. Hệ quả là tuy bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như bức tranh hiệu quả kinh doanh của DN vẫn có thêm những tín hiệu tích cực, nhưng do khối ngoại bán ròng, đã kích hoạt và làm gia tăng các hoạt động bán nhằm cắt giảm margin để giảm thiểu rủi ro.
Các số liệu thống kê cho thấy, ở vùng VN-Index 607-615 điểm, lượng margin tăng vọt. Lượng margin ở hầu hết các CTCK đều vượt đỉnh tháng 3/2014. Cụ thể như, tại thời điểm này, quy mô margin của một CTCK là 1.000 tỷ đồng, thì gần đây tăng mạnh lên 2.500 tỷ đồng. Việc bán để thu hồi margin trên diện rộng đã khiến thị trường đi xuống.
“Với giá nhiều cổ phiếu dẫn đầu cũng bị giảm mạnh, thị trường sẽ cần thêm thời gian để lành vết thương này. Về mặt kỹ thuật, nếu lực bán tiếp tục mạnh, VN-Index có thể lui về các vùng hỗ trợ 580 và 570 điểm. Ngược lại, phiên phục hồi kỹ thuật có thể diễn ra khi nhiều cổ phiếu đã giảm về mức giá hấp dẫn...”, ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên gia phân tích kỹ thuật của BSC nhận định.
Lộ diện cơ hội mới
“Do thời gian vừa qua, với việc duy trì tỷ trọng tiền mặt cao, NĐT nên nhìn nhận sự giảm điểm lần này như một cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi lực bán mạnh từ khối ngoại giảm dần trong thời gian tới, đồng thời nhiều cổ phiếu tốt đã giảm về mức giá hấp dẫn, đặc biệt là những DN vẫn duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng...”, ông Long nhìn nhận về cơ hội đầu tư mới, đồng thời phân tích những lý do hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của TTCK vào cuối năm 2014, cũng như đầu năm 2015.
Đó là vĩ mô thêm ổn định, dòng tiền đầu tư sẽ vẫn đổ vào TTCK, đặc biệt là quý IV/2014 khi tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy, lãi suất thấp và dòng ngoại hối đổ về nhiều. Xu hướng này có thể kéo dài trong quý I/2015 trước khi chờ sự kiểm định về kết quả kinh doanh của các DN. Quy mô của thị trường lần đầu tiên đạt khoảng 60 tỷ USD, nên sẽ hỗ trợ tích cực cho cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, những vấn đề quan ngại vẫn là nợ xấu giảm chậm, tín dụng tăng trưởng chậm, TTCK thế giới diễn biến chưa tích cực.
Tới đây, khi thị trường phục hồi, cơ hội không chia đều cho các nhóm ngành. Điều này đồng nghĩa nếu mua “nhầm” cổ phiếu, thì ngay cả khi VN-Index tăng trở lại, cổ phiếu của nhiều ngành vẫn giảm giá.
“Qua hệ thống dữ liệu liên tục được cập nhật, cùng áp dụng các mô hình dự báo, BSC đưa ra triển vọng khả quan đối với các nhóm ngành bất động sản, vật liệu, xây dựng, dệt may, thủy sản và dầu khí. Trung lập với các ngành cảng biển, dược. Triển vọng kém lạc quan với các ngành phân bón, cao su thiên nhiên, đường…”, ông Long dự báo.