VN-Index hướng đến 650 điểm

(ĐTCK) "VN-Index đang hướng đến 650 điểm. Rủi ro duy nhất là tâm lý NĐT sẽ diễn biến rất nhanh theo từng nhịp của thị trường và có thể gây mất kiểm soát khi bỏ lỡ nhịp tăng của thị trường”.
VN-Index hướng đến 650 điểm

Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cao cấp CTCK Bản Việt (VCSC) trao đổi với ĐTCK khi VN-Index trong phiên hôm qua vượt lên trên 630 điểm. 

Theo ông, yếu tố nào giúp VN-Index vượt đỉnh 610 điểm và tiến lên trên 630 điểm trong thời gian ngắn?

 Ông Nguyễn Thế Minh

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí có mức tăng nóng trong các phiên vừa qua đã giúp VN-Index dễ dàng vượt mức 610 điểm. Đồng thời, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ duy trì “sắc xanh” tốt, đồng thuận giúp chỉ số sàn HOSE vượt mức kháng cự 610. Ngoài ra, NĐT nước ngoài quay trở lại mua ròng là yếu tố giúp tâm lý NĐT trong nước ổn định sau các phiên bán ròng mạnh trước đó của khối ngoại.

Ông có nhận xét gì về việc NĐT nước ngoài mua ròng trở lại?

Quan sát biến động của chỉ số Vietnam CDS 5 năm và 10 năm, chúng tôi nhận thấy chỉ số này liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Chỉ số này sụt giảm cho thấy mức độ rủi ro tại thị trường Việt Nam là rất thấp. Các NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trong khi đó, các chính sách cải cách của Chính phủ gần đây nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất được các tổ chức nước ngoài đánh giá cao, là bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới.

Động thái giao dịch của khối ngoại có sự dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, sau khi bán ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hoặc mua vào các cổ phiếu trong cùng ngành nghề có thị giá thấp hơn. Điều này cho thấy, khối ngoại không rút vốn và đồ tiền vào các thị trường khác như diễn biến các năm trước. Do đó, khối ngoại mua ròng trở lại là một tín hiệu tốt, tác động tích cực đến tâm lý NĐT trong nước.

Ông dự báo VN-Index sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Mức 630 là vùng đỉnh cũ trong năm 2009 nên đây được xem là một ngưỡng cản tâm lý. Nhưng mặt bằng giá cổ phiếu vẫn chưa lên cao (ngoại trừ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm dầu khí), đặc biệt dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong khi đó, tâm lý NĐT chưa có dấu hiệu hưng phấn thái quá.

Hiện nay, TTCK vẫn là nơi thu hút dòng tiền mạnh nhất, khi mức sinh lợi trên thị trường này đạt khá cao trong thời gian qua. VN-Index đã vượt đỉnh năm 2009, nhưng hệ số P/E đang ở mức 16,4 lần, còn mức P/E vào cuối tháng 10/2009 là 20,1 lần. Bên cạnh đó, chỉ số VN30 và HNX-Index còn cách xa vùng đỉnh ở mức gần 5%. Nhiều khả năng, VN-Index tiếp tục có xu hướng tăng, hướng đến 650 điểm.

Rủi ro hiện tại của thị trường như thế nào?

Thông thường, sau giai đoạn kìm nén, thị trường sẽ bứt phá. Trong xu hướng tăng sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh hoặc sự rung lắc trong phiên. Do đó, rủi ro duy nhất là tâm lý NĐT sẽ diễn biến rất nhanh theo từng nhịp của thị trường và có thể gây mất kiểm soát khi bỏ lỡ nhịp tăng. Ngoài ra, công cụ đòn bẩy có thể được nhiều NĐT sử dụng khi tâm lý đang hưng phấn nên thị trường xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên sẽ ảnh hưởng lớn danh mục của NĐT.

Trong xu hướng tăng vừa qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng giá mạnh, vượt qua vùng đỉnh cũ, xác lập mặt bằng giá mới. Còn nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thể sẽ là nơi thu hút dòng tiền khá tốt trong các nhịp tăng sắp tới, vì các nhóm cổ phiếu này chưa có mức tăng đáng kể.

Ông có khuyến nghị gì dành cho NĐT trong thời điểm này?

Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, các NĐT vẫn còn cơ hội, nhưng cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, chú ý đến các cổ phiếu chưa có mức tăng nhiều như nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán… Đặc biệt, NĐT cần hạn chế mua đuổi vì giai đoạn này thị trường sẽ liên tục xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên. Cần đưa ra các mức cắt lỗ hợp lý nhằm kiểm soát rủi ro điều chỉnh.

Trong trung hạn, xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế và thị trường có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Do đó, chúng tôi cho rằng, NĐT nên duy trì vị thế mua và nắm giữ, nhưng cần tiết chế việc mua đuổi và chỉ xem xét mua trong các nhịp điều chỉnh mạnh, đặc biệt lưu ý đến nhóm ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng, chứng khoán, vận tải, cảng biển…

Phan Hằng thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục