Vn-Index có thể về vùng hỗ trợ 563-565 điểm

(ĐTCK) VN-Index vẫn đang trong xu hướng tích cực và đà tăng này có thể không sớm dừng lại. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh về vùng hỗ trợ kỹ thuật 563-565 điểm là hoàn toàn có thể.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm chú ý của thị trường Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm chú ý của thị trường

VN-Index đã giảm 3,41 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua, xuống 569,56 do áp lực chốt lời từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE trong phiên này giảm xuống chỉ còn 11 tỷ đồng. Như vậy, tính cả tuần, VN-Index tăng 7,8 điểm (tương đương mức tăng 1,3%) với thanh khoản thị trường luôn được duy trì ở mức cao.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp tới 8,67 điểm vào tổng mức tăng của VN-Index. Nói cách khác, nếu loại trừ nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần qua. Do vậy, dù VN-Index tăng khá, nhưng phần lớn nhà đầu tư không lãi đáng kể. Nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, DPM, PVD), VNM, VIC là những “tác nhân” mạnh nhất làm chững lại đà tăng của VN-Index.

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Sacombank từng thở phào khi phương án sáp nhập SouthernBank không được đưa ra trình ĐHCĐ lần trước sẽ hụt hẫng khi thông tin Sacombank sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường để phê duyệt phương án này vào ngày 30/6/2015.

Với cổ đông nhỏ lẻ, sáp nhập SouthernBank không mang lại nhiều giá trị nhưng lại gây lo ngại về chất lượng tài sản, rủi ro pha loãng và rủi ro vận hành trong quá trình sáp nhập.

Theo SouthernBank, tỷ lệ chuyển đổi dự kiến là 1:0,7-0,75 (tức 1 cổ phiếu Southern Bank sẽ được hoán đổi 0,7-0,75 cổ phiếu STB), thấp hơn so với tỷ lệ hoán đổi cổ phần của hai ngân hàng nhỏ vào BIDV và VietinBank và CTG mới đây, nhưng vẫn không đủ để cân giữa quyền lợi cổ đông hai ngân hàng. Dù sao chăng nữa, ý kiến cổ đông nhỏ vẫn sẽ không thay đổi được quyết định sáp nhập này.

Các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là BID, CTG và VCB đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, khi các mã này tăng mạnh từ đầu năm nay nói chung, đặc biệt trong tuần qua. Đáng chú ý, tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại mua ròng 34 triệu cổ phiếu CTG, 29 triệu cổ phiếu BID và 7 triệu cổ phiếu VCB.

Với mức mua ròng này, room ngoại tại CTG chỉ còn 11  triệu cổ phiếu và cổ phiếu lưu hành thực của BID (không kể phần sở hữu của Ngân hàng Nhà nước) đã giảm 25%.

Còn với VCB, khối lượng mua ròng của khối ngoại thấp hơn, nhưng tác động đến thị trường lại lớn hơn do thanh khoản và cổ phiếu lưu hành thực của VCB không cao. Nếu tình hình này tiếp diễn, CTG có thể sớm hết room trong khi cổ phiếu lưu hành tự do và thanh khoản của BID có thể giảm mạnh.

Đà tăng của 3 cổ phiếu này có thể chưa dừng lại dù thị giá của VCB hiện đã khá cao (P/E = 25x). Tuy nhiên, tác động tâm lý của việc 3 cổ phiếu này tăng giá có thể không tiếp tục lan đến các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khi yếu tố dẫn dắt giao dịch của 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng không hề giống nhau.

Nhìn chung, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tích cực và đà tăng này có thể không sớm dừng lại. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh về vùng hỗ trợ kỹ thuật 563-565 điểm là hoàn toàn có thể và là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư. Dự kiến, VN-Index sẽ sớm tăng điểm trở lại từ vùng hỗ trợ nêu trên.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục