VN-Index có thể suy yếu ở vùng 890 - 900 điểm

(ĐTCK) Tuần qua, các thị trường cổ phiếu đồng loạt mất giá mạnh trước khi phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần. Thị trường Nhật Bản nổi bật với biến động mạnh khi chỉ số Nikkei 225 giảm 5% so với mức cao nhất trong tháng 11 trước khi phục hồi đưa mức giảm về còn 3%. 
VN-Index có thể suy yếu ở vùng 890 - 900 điểm

Sự mất giá của cổ phiếu được lý giải là do đồng yên tăng giá so với đồng USD.

Tuy nhiên, ở bức tranh tổng thể, thị trường cổ phiếu của Nhật đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ trước khi điều chỉnh. Chỉ số Nikkei 225 đạt lợi suất 14% kể từ đầu năm khi triển vọng kinh tế của quốc gia này ngày một tích cực. GDP quý III/2017 của Nhật Bản tăng 1,4%, cao hơn kỳ vọng 1,3% của giới phân tích, đồng thời tăng 0,3% so với quý III/2016. Như vậy, GDP của đất nước mặt trời mọc đã tăng trưởng quý thứ 7 liên tiếp.

Chỉ số DAX của thị trường Đức cũng phục hồi sau khi mất giá khoảng 6% so với đỉnh cao của tháng 11. Chỉ số Euro Stoxx 50 mất điểm liên tiếp kể từ đầu tháng. Lĩnh vực dịch vụ tài chính nằm trong nhóm yếu nhất do giới đầu tư lo ngại về tương lai của kế hoạch giảm thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.

Ngành vật liệu cơ bản cũng đi xuống mạnh trong phiên giao dịch thứ Ba sau khi Trung Quốc đưa ra số liệu gây thất vọng liên quan đến sản xuất công nghiệp và bán lẻ khiến giá kim loại sụt giảm. Cũng trong tuần qua, giá dầu điều chỉnh mạnh kéo theo cổ phiếu năng lượng mất giá đè nặng tâm lý giới đầu tư. Giá dầu Brent và WTI giảm gần 2,5% trong một ngày do số liệu mới công bố cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng.

Trong khi đó, dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư chỉ số vẫn hỗ trợ cho giá chứng chỉ quỹ trong lúc thị trường điều chỉnh mạnh. Giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI EAFE ETF đầu tư vào nhóm thị trường phát triển ngoại trừ Mỹ chỉ mất giá 1,4% so với mức đỉnh và duy trì được xu hướng tăng ổn định. EEM & FM đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên thậm chí bật tăng mạnh trong phiên thứ Năm, tiệm cận mức đỉnh của tuần trước.

Thị trường phục hồi trong phiên cuối tuần ngay lập tức kích thích dòng tiền chạy vào các nhóm ngành đại diện cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế như công nghệ và xây dựng nhà ở. Chúng tôi cũng nhận thấy sự mạnh lên của lĩnh vực dịch vụ, XLU tăng giá 16% kể từ đầu năm so với mức tăng 14% của chỉ số trung bình S&P 500, cho thấy khẩu vị rủi ro đang giảm xuống và giới đầu tư bắt đầu ưa chuộng những doanh nghiệp bền vững có tỷ lệ cổ tức ổn định.

Thị trường trong nước có một tuần tăng giá thần kỳ, đưa lợi suất nắm giữ của chỉ số trung bình VN-Index lên 32% kể từ đầu năm, cao nhất trong nhóm các thị trường cận biên. Vì nhiều lý do, bao gồm tâm lý, giao dịch acbitrage (kiếm lời chênh lệch giá), các thị trường trong cùng nhóm thường có liên hệ khá chặt. Khi việc các thị trường mới nổi và cận biên tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây hạ nhiệt, chúng tôi nghĩ Việt Nam khó duy trì tốc độ bứt phá hiện tại.

Vùng 890 - 900 điểm được dự báo sẽ là vùng suy yếu của VN-Index dựa vào phân tích đồ thị. Chúng tôi cho rằng, các giao dịch ngắn hạn mua vào những cổ phiếu đẩy chỉ số lên vùng này sẽ tạm thời ở thế bất lợi.

CTCK VNDIRECT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục