Tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục lập kỷ lục mới với sự hỗ trợ của nhóm bluechip quen thuộc. Liệu đà tăng của các bluechips sẽ duy trì được đến bao lâu, và đâu sẽ là ngưỡng kháng cự của VN-Index thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Nhóm cổ phiếu bluechip gần như điều khiển chỉ số index trong hơn 2 tháng vừa qua và đã thành công khi giúp VN-Index tăng hơn 100 điểm.
Thông thường, người ta hay dựa các mức đỉnh cũ để xác định ngưỡng kháng cự, nhưng với đà tiến phá đỉnh liên tục, thì những điểm như 900, 920 trở thành kháng cự tâm lý hiện tại.
Dù vậy, có vẻ như điểm số của VN-Index không đóng vai trò quá quan trọng ở hiện tại và nhà đầu tư đã hướng sự quan tâm đến việc cổ phiếu nào sẽ có câu chuyện tăng giá trong thời gian tới nhiều hơn nhất là thời điểm cuối năm đang sôi động câu chuyện thoái vốn hàng loạt công ty nhà nước lớn.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Nhóm blue-chips với đại diện là chỉ số VN30 có một nhịp tăng trưởng rất ấn tượng, liên tiếp thiết lập mức đỉnh mới cao nhất từ trước đến nay và hiện tại cũng chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy.
Ông Vũ Minh Đức
Chỉ số VN-Index được hưởng lợi từ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn này và đang tiệm cận ngưỡng tâm lý 900 điểm. Xét trong xu hướng dài hạn của thị trường, vùng quanh 900 điểm (+/-10 điểm) cũng có thể coi là một ngưỡng kháng cự của chỉ số sàn HOSE.
Trong bối cảnh VN-Index đi lên quá cao và HNX-Index đang tiến lên gần ngưỡng kháng cự trong khi đa số cổ phiếu trên sàn giảm giá, theo các ông/bà, nhà đầu tư nên “hành động” như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Vì chỉ có một nhóm bluechip từ 10-20 cổ phiếu tạo sóng, trong khi phần còn lại của thị trường đi ngang đã khiến chỉ số PE chung của thị trường không có sự đột biến và chỉ xoay quanh ngưỡng 14.5. Điều đó có nghĩa, nhiều nhóm cổ phiếu midcap đang có mức định giá khá rẻ so với mặt bằng chung.
Có khá nhiều cổ phiếu đang tạo lợi nhuận ổn định trên nguồn vốn nhỏ, trong khi giá chưa tăng nhiều là cơ hội đầu tư tích lũy cho dài hạn. Một số cổ phiếu đang trong giai đoạn thoái vốn của Nhà nước cũng đáng quan tâm, nhưng nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến chi phí vốn bỏ ra so với mức giá trên sàn giao dịch.
Việc trả giá quá cao so với tiềm năng của cổ phiếu có thể khiến nhà đầu tư không được lợi nhuận như kỳ vọng.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Nếu kết luận đa số các cổ phiếu giảm giá trên hai sàn thì điều này chỉ đúng trong phiên cuối tuần, vì trong phiên ngày 16/11 thì số lượng cổ phiếu tăng giá lại chiếm áp đảo. Tuy nhiên, với việc xác định vùng quanh 900 điểm là một ngưỡng kháng cự của thị trường, nhà đầu tư nên thận trọng với quyết định mua mới ở thời điểm hiện tại.
Còn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu và đã có được mức lợi nhuận ngắn hạn nhất định thì có thể tiếp tục nắm giữ để theo dõi các tín hiệu đảo chiều của VN-Index để có chiến lược phù hợp.
Việc VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới trong 10 năm đang có sức hấp dẫn lớn với dòng tiền tham lam, nhưng quan sát thị trường có thể thấy, dòng tiền chủ yếu chảy vào các mã lớn. Trong bối cảnh nhóm LargeCap nhiều mã đã lên đỉnh, liệu thời gian tới, dòng tiền có hướng tới các mã khác không, thưa ông, bà?
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS
Những cổ phiếu lớn tăng giá trong thời gian qua có câu chuyện riêng, nhưng nếu để ý có thể thấy mỗi đợt tăng của thị trường có một số cổ phiếu tạo sóng, ví dụ như ROS, SAB, MWG, kế đến là cổ phiếu ngân hàng và gần đây là những cổ phiếu như VNM, FPT, CTD, VIC.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Nếu nhìn quãng thời gian 6 tháng đầu năm, rất nhiều cổ phiếu trong những nhóm này không tăng trưởng nhiều mà hầu như đi ngang..
Tựu chung lại, mỗi cổ phiếu có câu chuyện hấp dẫn riêng liên quan đến các hoạt động M&A, thoái vốn nhưng vấn đề cơ bản vẫn là hoạt động doanh nghiệp có sinh lợi hay không và tiềm năng tương lai là vấn đề cốt lõi nhất.
Có những nhóm cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán… kỳ vọng kết quả quý IV tăng trưởng sẽ thu hút dòng tiền tập trung chú ý trở lại và có thể lại tạo đợt sóng mới, tiếp nối đợt sóng cổ phiếu ngân hàng vừa qua.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Trong một nhịp tăng trưởng mạnh của thị trường thì dòng tiền thường bắt đầu ở nhóm blue-chip vốn hóa lớn và khi nhóm này đạt đến một độ cao nhất định thì dòng tiền sẽ có xu hướng dần lan tỏa sang nhóm vốn hóa nhỏ hơn.
Thời gian lan tỏa nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là mức độ chênh lệch giá tương đối giữa nhóm vốn hóa lớn và nhỏ, độ mạnh của dòng tiền cũng như tâm lý của nhà đầu tư.
Thực tế, trong một số phiên gần đây, dòng tiền đã diễn biến chậm lại với sự phân hóa của các cổ phiếu lớn và chảy sang phân khúc vốn hóa trung bình hay một số penny thị giá thấp. Điều này có thể diễn biến thêm một số phiên nữa trong tuần tới, trước khi thị trường xuất hiện một nhịp điều chỉnh đồng pha.