Theo phương thức xác định giá chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược được tiến hành sau đợt đấu giá công khai ra bên ngoài (IPO) của Vissan thì trường hợp có tối đa 3 NĐT chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, nếu số cổ phần các NĐT đăng ký mua lớn hơn số cổ phần chào bán ra cho NĐT chiến lược thì phải tổ chức đấu giá.
Danh nghĩa là có 3 NĐT chiến lược, nhưng thực tế thì đây là cuộc chiến giữa NĐT ngoại CJ và NĐT nội, Tập đoàn Masan. Bởi Masan thông qua công ty con Masan Nutri-Science đang sở hữu 70% cổ phần của Anco và 51% cổ phần của Proconco.
Nếu CJ là tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, đã đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cũng như đầu tư trang trại chăn nuôi thì Masan là đối thủ không kém cạnh khi vừa sở hữu công ty thức ăn chăn nuôi có thị phần dẫn đầu thị trường vừa sở hữu “công nghệ” phát triển thương hiệu sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng như nước chấm, mì ăn liền… nổi tiếng ở Việt Nam.
Giới chuyên môn đánh giá, với cả hai đối thủ này, sự kết nối với Vissan đều tạo nên chuỗi giá trị gia tăng khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến, phân phối sản phẩm. Ngược lại, cả hai đối thủ này đều có khả năng đem lại giá trị gia tăng mới cho Vissan về vốn, nghiên cứu phát triển sản phẩm, marketing, kênh phân phối…
“Nếu coi Vissan là cô gái đẹp kén chồng thì CJ có cách tỏ tình gây sốc vì vừa gặp mặt đã nói yêu. Yêu thì cũng phải từ từ mới nói”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan hài hước chia sẻ khi được hỏi về cảm nhận cá nhân với các đối tác chiến lược. Ông Mười cũng không quên nhấn mạnh về sự khác biệt văn hóa giữa NĐT nước ngoài với văn hóa Việt, chẳng hạn như sự xung đột giữa yêu cầu kỷ luật nghiêm ngặt trong sản xuất công nghiệp của NĐT ngoại với kỷ luật lao động còn hạn chế của công nhân Việt.
“Là người Việt Nam, tôi luôn muốn Vissan tìm được đối tác nội, nhưng tôi cũng muốn Công ty phát triển theo phương thức sản xuất công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế. Tôi mong muốn dung hòa được cả hai yếu tố này nhưng không có quyền chọn, mà kết quả tùy thuộc vào đợt đấu giá giữa các NĐT”, ông Mười nói.
Việc Massan đưa cả hai quân “pháo, mã” vào cuộc cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc sở hữu Vissan.
Theo quy chế đấu giá thì Vissan có quyền chọn tối đa 3 NĐT chiến lược đảm bảo nguyên tắc lựa chọn NĐT có giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cổ phần bán và giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá giữa các NĐT chiến lược. Giá bán không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của đợt IPO. Tuy nhiên, cuộc đấu giá này có thể coi là “một mất một còn” vì cả 3 NĐT đều đăng ký mua tối đa số lượng hơn 11,3 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ mà NĐT chiến lược được phép mua, tức số lượng đăng ký mua gấp 3 lần số lượng cổ phần chào bán.
Mặt khác, để có thể gây ảnh hưởng nhất định doanh nghiệp thì tỷ lệ sở hữu 14% của cổ đông chiến lược là quá thấp. Và trước khi tính đến bài toán dài hơn là tăng sở hữu ở Vissan qua các lần bán vốn của Nhà nước để giảm từ tỷ lệ sở hữu 65% sau cổ phần hóa xuống dưới 50% dự kiến trong vòng 2 năm, thì một NĐT chiến lược cần sở hữu hết tỷ lệ 14% chào bán cho NĐT chiến lược lần này thay vì chấp nhận chia đôi, chia ba.
Việc Massan đưa cả hai quân “pháo, mã” vào cuộc cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc sở hữu Vissan. Nhưng dù chỉ một pháp nhân thì phía CJ với tiềm lực tài chính mạnh cũng có thể chiến thắng với mức giá bỏ thầu cao hơn. Quyết tâm trả giá của tập đoàn nước ngoài này như thế nào vẫn là ẩn số, trong khi giới đầu tư trong nước nhìn vào các cuộc M&A mà Masan đã thực hiện có thể thấy tập đoàn này cũng không ngại trả mức giá thích đáng cho những doanh nghiệp mà họ thích như Anco, Proconco, Vĩnh Hảo.
Dù đối tác nào thắng trong cuộc đua này thì với các NĐT chuyên nghiệp khác, những người sẽ tham gia cuộc IPO ngày 7/3 tới đây, đều nhìn nhận tiềm năng của Vissan chỉ được phát huy khi kết hợp với đối tác chiến lược đủ tầm, chứ không phải là những thông tin về kế hoạch sản xuất - kinh doanh mà Ban lãnh đạo hiện tại xây dựng và đưa ra trong bản công bố thông tin.
Theo đó, Vissan chỉ lời khoảng 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018, sụt giảm mạnh còn hơn 9 tỷ đồng vào 2019. Mức cổ tức dự kiến chỉ 5%/năm, trong khi giá đầu khởi điểm được xác định là 17.000 đồng/cổ phần.
Đấu giá cổ phần Vissan gồm cả IPO và chào bán cho NĐT chiến lược sẽ là cuộc đua kỳ thú mở đầu năm 2016 này, bởi không loại trừ bất ngờ sẽ có ngay từ kết quả IPO.