Virus Corona nhấn chìm chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Lo lắng về sự lây lan của virus Corona (2019-nCoV) khiến giới đầu tư bán tháo trên thị trường chứng khoán, đẩy các thị trường lao dốc trong phiên cuối tuần trước (31/1).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất trong 6 tháng trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi nỗi lo lây virus Corona khiến nhà đầu tư hoảng sợ. Không những thế, dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm chạp, cùng kết quả kinh doanh của một số công ty vừa công bố gây thất vọng.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, đã ban hành lệnh cách ly đối với tất cả người Mỹ hồi hương từ Trung Quốc đến một căn cứ không quân ở California.

Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall sau đó được hãm lại khi Giám đốc CDC Robert Redfield cho biết, rủi ro đối với công chúng Mỹ là thấp.

Trong các cổ phiếu, dĩ nhiên nhóm cổ phiếu hàng không giảm mạnh nhất khi các hãng hàng không hủy các chuyến bay qua lại với Trung Quốc. Trong khi đó, kết quả kinh doanh khả quan giúp Amazon tăng mạnh 7,38%, góp phần hãm đà giảm của thị trường.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới công bố cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng tăng ổn định trong tháng 12/2019, trong khi mức tăng lương chỉ ở mức tăng trưởng vừa phải. Ngoài ra, báo cáo khác cho thấy, sản xuất trong tháng 1 ở khu vực Trung Tây đạt mức thấp trong 4 năm.

Kết thúc phiên 31/1, chỉ số Dow Jones giảm 603,41 điểm (-2,09%), xuống 28.256,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 58,14 điểm (-1,77%), xuống 3.225,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 148,0 điểm (-1,59%), xuống 9.150,94 điểm.

Nỗi lo virus corona tiếp tục khiến phố Wall có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,53%, S&P 500 giảm 2,12%, Nasdaq giảm 1,76%.

Với 2 tuần giảm liên tiếp cuối tháng, những gì tích lũy được trong nửa đầu tháng 1 của Dow Jones và S&P đã “đội nón ra đi” hết, qua đó cũng chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp. Trong khi đó, nhờ chuỗi tăng ấn tượng trước đó, nên Nasdaq vẫn giữ được đà tăng trong tháng đầu của năm 2020, qua đó tiếp nối chuỗi tăng lên tháng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 1/2020, Dow Jones giảm 0,99%, S&P 500 giảm 0,16%, còn Nasdaq tăng 1,99%.

Tương tự, dù có khởi đầu khá tốt khi các thị trường đều mở cửa trong sắc xanh, nhưng việc Anh và Ý thông báo ghi nhận trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên đã khiến giới đầu tư lo sợ, đẩy mạnh bán ra, khiến các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu lao dốc.

Kết thúc phiên 31/1, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 95,95 điểm (-1,30%), xuống 7.286,01 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 175,15 điểm (-1,33%), xuống 12.981,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 65,43 điểm (-1,11%), xuống 5.806,34 điểm.

Sau tuần tăng giảm trái chiều trước đó, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt chìm trong sắc đỏ với mức giảm rất mạnh trong tuần cuối tháng 1 do ảnh hưởng của virus corona. Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE giảm 3,95%, chỉ số DAX giảm 4,38%, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số CAC 40 giảm 3,62%.

Tuần giảm mạnh cuối tháng cũng đã khiến chứng khoán châu Âu có tháng mở đầu năm 2020 khá thất vọng, trong đó chứng khoán Đức và Pháp chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp, còn chứng khoán Anh chấm dứt chuỗi 2 tháng tăng liên tiếp. Cụ thể trong tháng 1/2020, chỉ số FTSE giảm 3,40%, chỉ số DAX giảm 2,02%, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số CAC 40 giảm 2,87%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa giao dịch trở lại, trong khi các thị trường Hồng Kông và Hàn Quốc tiếp tục chìm trong sắc đỏ do nỗi lo virus Corona. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản lại hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố.

Kết thúc phiên 31/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 227,43 điểm (+0,99%), lên 23.205,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 136,50 điểm (-0,52%), xuống 26.312,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,99 điểm (-1,35%), xuống 2.119,01 điểm.

Cơn hoảng loạn corona cũng khiến chứng khoán châu Á có tuần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp, trong đó chỉ số Nikkei 225 giảm 2,61%, chỉ số Hang Seng giảm 5,86%, chỉ số Kospi giảm 5,66%.

Hai tuần giảm mạnh liên tiếp cuối tháng 1 đã khiến chứng khoán châu Á cũng có tháng mở đầu năm 2020 đáng quên. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,91%, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp trước đó, chỉ số Hang Seng giảm 6,66%, trả lại gần hết những gì có được trong tháng cuối năm 2019, chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều giảm 2,41% trong tháng đầu năm mới sau khi tăng mạnh 6,2% trong tháng 12/2019, nhưng mức giảm nhẹ này chủ yếu do thị trường Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán 1 tuần, nếu giao dịch, khả năng mức giảm còn tồi tệ hơn rất nhiều; chỉ số Kospi giảm 3,58%, chấm dứt chuỗi tăng ấn tượng các tháng trước đó.

Nỗi lo sợ lan rộng trên thị trường chứng khoán chính là động lực giúp giá vàng bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 31/1, giá vàng giao ngay tăng 14,7 USD (+0,93%), lên 1.588,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 0,6 USD (-0,04%), xuống 1.582,9 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp do nhận được năng lượng là nỗi lo lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,08% và giá vàng tương lai tăng 0,70%. Tính chung trong tháng 1, giá vàng giao ngay tăng 4,73%, giá vàng tương lai tăng 3,93%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp.

Với nỗi lo dịch bệnh đang lên cao, dĩ nhiên giới phân tích và đầu tư đều dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát, có 14 người, chiếm 82% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, cao hơn nhiều con số 59% của tuần trước; có 3 người dự báo giảm, chiếm 18%, cao hơn con số 12% của tuần trước đó và không có chuyên gia nào dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong 995 người tham gia trả lời trực tuyến, có 687 lượt, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 67% của tuần trước; 163 dự báo giảm, chiếm 16%, thấp hơn con số 18% của tuần trước; và 145 người, chiếm 15% dự báo giá vàng đi ngang.

Cũng như chứng khoán, nỗi lo về virus Corona tiếp tục khiến giá dầu thô sụt giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại virus này sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu với dầu thô. Trong khi đó, báo cáo mới công bố cho thấy, sản lượng khai thác của Nga trong tháng 1 lên tới 11,28 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2019.

Kết thúc phiên 31/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,58 USD (-1,12%), xuống 51,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,13 USD (-0,22%), xuống 58,16 USD/thùng.

Nỗi lo dịch bệnh corona ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu khiến giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong tuần qua và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 4,85% và giá dầu thô Brent giảm 4,17%.

Tính chung trong tháng 1, giá dầu thô Mỹ giảm 15,56%, còn giá dầu thô Brent cũng mất tới 14,95%, chấm dứt chuỗi 2 tháng tăng liên tiếp. Đây cũng là tháng giảm tồi tệ nhất của giá dầu thô Mỹ trong 8 tháng, còn đối với giá dầu thô Brent là 15 tháng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục