Fed giữ nguyên lãi suất, giới đầu tư phản ứng thận trọng

(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Tư (29/1) khi kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn giúp cân bằng các thông tin tiêu cực.
Ảnh: AFP Ảnh: AFP

Trong cuộc họp đầu tiên của năm 2020 kết thúc chiều thứ Tư (29/1), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5 - 1,75%/năm khi cho rằng, nền kinh tế vẫn tăng trưởng vừa phải, thị trường lao động mạnh mẽ và không có tín hiệu nào về việc thay đổi mức lãi suất hiện tại trong tương lai.

“Chúng tôi tin rằng, chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát trở lại mục tiêu 2% như mục tiêu chúng tôi đặt ra”, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp.

Người đứng đầu Fed cũng lưu ý các dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định và nguy cơ bất ổn xung quanh chính sách thương mại đang giảm dần. Đây là 2 yếu tố chính mà Fed căn cứ vào để điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ông Powell cũng cho rằng, những vấn đề bất ổn với nền kinh tế vẫn còn, bao gồm yếu tố mới xuất hiện là virus corona. Sự bùng phát của loại virus mới này giống như dịch cúm cách đây 10 năm, có thể làm nền kinh tế thứ 2 thế giới chậm lại, qua đó ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Quyết định của Fed dường lúc đầu dường như không ảnh hưởng nhiều tới thị trường do đã nằm trong dự đoán trước đó. Các chỉ số chính của phố Wall lúc đầu có mức tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan của Apple, Boeing, General Electric.

Tuy nhiên, những lưu ý của ông Powell trong cuộc họp báo sau đó khiến nhà đầu tư giật mình, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lùi sâu xuống dưới tham chiếu. Dù vậy, Dow Jones và Nasdaq vẫn kịp trở lại trên tham chiếu trước khi đóng cửa, còn S&P 500 thiếu chút may mắn.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Dow Jones tăng 11,60 điểm (+0,04%), lên 29.734,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,84 điểm (-0,09%), xuống 3.273,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,48 điểm (+0,06%), lên 9.275,16 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh khả quan của Banco Santander và Safran giúp các thị trường giữ được sắc xanh trong bối cảnh nỗi lo sự bùng phát của virus corona đang lan rộng trong nhà đầu tư.

Một thông tin khác đáng chú ý với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu là Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua thỏa thuận để Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Như vậy, thứ Sáu sẽ đánh dấu mốc chính thức Anh rời EU.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,88 điểm (+0,04%), lên 7.483,57 điểm. Chỉ số DAX tăng 21,31 điểm (+0,16%), lên 13.345,00 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 29,07 điểm (+0,49%), lên 5.954,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc hồi phục trở lại sau 2 phiên lao dốc mạnh trước đó, thì chứng khoán Hồng Kông lại lao dốc xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch do lo lắng về sự bùng phát của virus corona.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 163,69 điểm (+0,71%), lên 23.379,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 789,01 (-2,82%), xuống 27.160,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,56 điểm (+0,39%), lên 2.185,28 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi giảm trong đầu phiên Á, giá vàng đã dần hồi phục trở lại sau đó và leo lên mức cao nhất ngày cuối phiên Mỹ, trước khi hạ nhiệt nhẹ lúc đóng cửa.

Kết thúc phiên 29/1, giá vàng giao ngay tăng 9,6 USD (+0,61%), lên 1.576,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 0,6 USD (+0,04%), lên 1.570,4 USD/ounce.

Giá dầu thô giằng co và đóng cửa trái chiều nhau, nhưng mức biến động không lớn trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 29/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,28%), xuống 53,33 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,30 USD (+0,50%), lên 59,81 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục