Vừa qua, Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh 5 năm (2015 - 2020) và 5 năm thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng được giữ vững; kỷ cương, kỷ luật của Đảng được tăng cường. Kinh tế - xã hội tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; chất lượng đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Liên đoàn Lao động tỉnh tỉnh thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết 2022 người lao động. Ảnh Internet. |
Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh đã giữ vững và phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác sắp xếp kiện toàn hệ thống tổ chức đảng tiếp tục được quan tâm. 5 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành giải thể mô hình chi bộ cơ quan ở 137 xã, phường, thị trấn và mô hình chi bộ quân sự ở 126 đơn vị cấp xã; sau giải thể các đảng viên thuộc 2 mô hình trên đã được giới thiệu về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, tổ dân phố, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, tổ dân phố.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ được tăng cường; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên. Trong nhiệm kỳ, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh kết nạp mới được gần 2.100 đảng viên, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt khâu trung gian, giảm bớt sự chồng chéo; việc thay đổi cơ chế quản lý tài chính và giao tự chủ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.
Tinh giản biên chế của Vĩnh Phúc vượt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh; 207 đầu mối cấp phòng, ban tương đương; giảm 456 lãnh đạo, quản lý các cấp; tinh giản được hơn 3.300 biên chế và gần 11.500 người hoạt động không chuyên trách; xóa bỏ cơ chế đặc thù của 16/19 tổ chức hội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh, để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên. Trong đó, chú trọng giữ vững nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác xây dựng và nâng cao chất lượng của các chi, đảng bộ theo hướng toàn diện, cụ thể, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
5 năm qua, và đặc biệt trong hơn 2 năm gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở, Vĩnh Phúc vẫn liên tục gặt hái được những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Đến nay, Vĩnh Phúc vẫn là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong việc thu hút vốn FDI, trong 3 quý năm 2021 tăng gần 220% so với cùng kỳ và vượt gần 150% kế hoạch năm.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc còn là tỉnh thứ 9 trong cả nước thử nghiệm thành công mạng 5G, tạo điều kiện cho chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư nền tảng số và hạ tầng công nghệ thông tin.