Vĩnh Phúc gỡ khó cho phát triển cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vĩnh Phúc đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện san lấp mặt bằng cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet. Thực hiện san lấp mặt bằng cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet.

Thực tiễn triển khai

Để đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, năm 2013, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, phát triển các cụm công nghiệp; ban hành danh mục các cụm công nghiệp trong quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành 32 cụm công nghiệp, tổng diện tích 689,955ha, trong đó, giai đoạn 2016-2020 dự kiến hình thành 24 cụm công nghiệp, giai đoạn 2021-2030 có 8 cụm công nghiệp.

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, diện tích trên 423,974 ha, thu hút 516 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động.

Trong số các cụm công nghiệp thành lập mới, cụm công nghiệp Đồng Sóc, huyện Vĩnh Tường khởi công xây dựng năm 2020 có quy mô 75 ha được đầu tư rất bài bản, đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, cây xanh, điện, nước sạch, phòng cháy chữa cháy đến hệ thống thông tin liên lạc, xử lý nước thải và đã hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước vào xây dựng nhà xưởng, sản xuất kinh doanh, trong đó có 11 dự án đã giao đất, một số dự án đi vào sản xuất ổn định.

Tuy nhiên, việc phát triển, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm và còn nhiều bất cập. Cụ thể, đến nay, Vĩnh Phúc còn 16 cụm chưa được thành lập, giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, với diện tích gần 266 ha, trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 9 cụm. Trong 16 cụm công nghiệp được thành lập, giao chủ đầu, mới có 3 cụm được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định; 5 cụm đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, gồm: cụm công nghiệp Tề Lỗ, cụm công nghiệp Yên Đồng, cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc; cụm công nghiệp Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường; cụm công nghiệp Hùng Vương - Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên; 11 cụm còn lại, tỷ lệ lấp đầy trung bình xấp xỉ 40%.

Mặt khác, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; đa số các cụm công nghiệp đều chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí trong quy hoạch chi tiết theo bản đồ 1/500. Riêng đối với 3 cụm công nghiệp đã hình thành từ trước năm 2009 thì cụm công nghiệp Việt Xuân đã có chủ trương của UBND tỉnh về lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng đến nay chưa được duyệt; cụm công nghiệp thị trấn Lập Thạch và cụm công nghiệp Hương Canh chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đa số các mục tiêu về phát triển cụm công nghiệp đề ra tại Quyết định số 1867 của UBND tỉnh về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2030 đều chưa đạt.

Theo đánh giá của Sở Công thương, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thực hiện các quy định của Nghị định 68 của Chính phủ. Trước những đề xuất của các địa phương, nhất để từng bước gỡ khó, hỗ trợ, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50 và năm 2020 ban hành Nghị quyết số 07 về sửa đổi Nghị quyết số 50 về quản lý đầu tư, hỗ trợ tiền thuê đất, vốn vay cho các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh mới chỉ hỗ trợ đầu tư cho chủ đầu tư cụm công nghiệp Đồng Sóc theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh về hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp với giá trị 20 tỷ đồng; còn 6 cụm đã hình thành nhưng chưa được UBND các huyện giao đầu mối quản lý dẫn đến việc quản lý, bảo đảm các dịch vụ trong cụm công nghiệp, nhất là vấn đề xử lý môi trường, trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng các cụm công nghiệp không thực hiện được.

Vĩnh Phúc đang giữ thế mạnh là trung tâm khu công nghiệp của phía Bắc. Ảnh: Internet.

Vĩnh Phúc đang giữ thế mạnh là trung tâm khu công nghiệp của phía Bắc. Ảnh: Internet.

Tìm cách gỡ khó

Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đầu tháng 11/2021, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị giải trình công tác quản lý nhà nước về phát triển cụm công nghiệp.

Tại đây, sau khi nghe các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và đơn vị quản lý cấp huyện báo cáo, đề xuất những khó khăn, bất cập, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66 sửa đổi, bổ sung Điều 42 Nghị định số 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; phân công, phân cấp nội dung quản lý cho từng đơn vị, bảo đảm tất cả các cụm công nghiệp trên địa bàn phải được quản lý theo quy định.

Rà soát lại hệ thống văn bản, tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, các cơ chế chính sách về hỗ trợ, phát triển, quản lý cụm công nghiệp. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt Quyết định số 998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; tăng cường công tác giám sát, có các giải pháp khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập về ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp, khu dân cư khu vực nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các cụm công nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất quy trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp, hướng dẫn thanh, quyết toán cho chủ đầu tư.

Cùng với đó, tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt các cụm công nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 35, Quyết định số 32 của UBND tỉnh về chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật trong thẩm định, phê duyệt và quản lý sau quy hoạch đối với các cụm công nghiệp nhằm bảo đảm các cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

Mạnh tay trong thay đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự chủ động vượt qua khó khăn của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, việc phát triển các cụm công nghiệp ở Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2021-2030 được cho là sẽ có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp phát triển đúng hướng và góp phần quan trọng để Vĩnh Phúc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao khi bài toán ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, cụm công nghiệp làng nghề được giải quyết và thu nhập của người dân được nâng cao.

Thanh Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục