Theo kết quả khảo sát, xếp hạng và đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố với 68,81 điểm, giảm 0,1 điểm và giảm 7 bậc so với năm 2022. Tuy vậy, vẫn có 4/10 chỉ số thành phần, bao gồm chỉ số Đào tạo lao động ghi nhận sự cải thiện cả về điểm và thứ hạng so với năm 2022. Cụ thể, năm 2023, chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,79 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,72 điểm và 11 bậc so với năm 2022, cao hơn 1,03 điểm so với điểm bình quân chung cả nước (5,76 điểm). Trong đó có 8/11 chỉ tiêu thành phần được cải thiện so với năm 2022, 2 chỉ tiêu giữ nguyên thứ hạng; chỉ có duy nhất 1 chỉ số “Tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (%)” giảm 4,53 điểm và giảm 21 bậc so với năm 2022.
Điều này cho thấy, công tác đào tạo lao động, chất lượng lao động của tỉnh dần có sự cải thiện; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2023 đã triển khai có hiệu quả hơn các năm trước.
Song, theo đánh giá của các doanh nghiệp, chất lượng lao động có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động; số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động còn hạn chế. Ngoài ra, sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhân lực và các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm còn chưa chặt chẽ.
|
Các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc thu hút hàng ngàn lao động chất lượng cao mỗi năm |
Việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học cũng như kết nối giữa nhà trường với phụ huynh và xã hội ở một số nhà trường còn hạn chế. Mặc dù thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng đào tạo lao động, kỹ năng nghề, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo bằng những giải pháp cụ thể và toàn diện như: Chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị đào tạo; quan tâm chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực, chủ động trong công tác tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên; kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng công tác đào tạo kỹ năng mềm, ý thức tác phong công nghiệp cho người học để nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với tác phong làm việc trong các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng còn thấp. Hiện, doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến chế độ báo cáo nhu cầu tuyển dụng lao động với cơ quan quản lý Nhà nước; công tác phối hợp trong tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế, dẫn đến tình trạng bị động trong tuyển dụng lao động, làm phát sinh chi phí tuyển dụng lao động, chi phí đào tạo lao động. Mặt khác, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT nên kết quả tuyển sinh hằng năm còn hạn chế, tuyển không đủ chỉ tiêu được giao, trình độ kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Để tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số Đào tạo lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh của tỉnh trong vấn đề thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm bền vững; đẩy mạnh đào tạo lao động theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin cung - cầu lao động.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp mang tính đột phá sẽ tiếp tục được triển khai như: Đổi mới và đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp; nâng cao chất lượng, năng lực các cơ sở đào tạo, cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tăng quy mô, năng lực đào tạo; phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Về lộ trình dài hơi, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp của Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh, công tác quản lý dạy và học, số hóa các tài liệu, chương trình, giáo trình phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và người lao động có nhu cầu tìm kiếm, khai thác thông tin. Song song với đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh hỗ trợ kịp thời, hiệu quả người lao động tìm kiếm việc làm, cung ứng kịp thời nguồn lao động chất lượng cho người sử dụng lao động trong tỉnh, xây dựng chương trình hợp tác, ký kết các hợp đồng cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, tập trung cung ứng kịp thời đúng số lượng, chất lượng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.