Quốc hội ủng hộ phân cấp mạnh trong đầu tư công

Thảo luận việc sửa đổi một số điều của 5 luật trong lĩnh vực đầu tư, nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ các quy định thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhất là tại Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Việc phân cấp, phân quyền trong đầu tư công sẽ cắt giảm được nhiều thủ tục, qua đó giúp đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ảnh: Đ.T Việc phân cấp, phân quyền trong đầu tư công sẽ cắt giảm được nhiều thủ tục, qua đó giúp đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ảnh: Đ.T

Tán thành phân cấp triệt để

Tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ tám.

Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật về đầu tư), Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực này. Quan điểm xuyên suốt của việc sửa đổi một số quy định của cả 5 luật nói trên là tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Quan điểm trên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) bày tỏ sự đồng tình với nhiều đề xuất của Chính phủ về phân cấp, phân quyền. Như, phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

“Như vậy, Chính phủ đề xuất phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương trong việc quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Đề xuất này vừa thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án nhóm A quy mô lớn, có ảnh hưởng đến địa bàn nhiều địa phương”, ông Khải nhìn nhận.

Tương tự, đại biểu Hà Nam cũng tán thành đề xuất quy định việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho ủy ban nhân dân các cấp, bởi sự phân cấp mạnh mẽ này sẽ tạo sự chủ động cho ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công.

Lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề xuất phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ.

Nhất trí với đề xuất trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích, nếu không phân cấp, thì việc xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6 - 7 tháng để thực hiện 11 bước), gây ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.

“Theo dự kiến, việc phân cấp này sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, ông Nghĩa nêu con số so sánh.

Đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận xét, nội dung sửa đổi đã “đụng vào và chạm tới” những vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn của các dự án đầu tư công.

Vì thế, mặc dù một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần thông qua luật theo quy trình 2 kỳ họp như thông lệ, ông Thường vẫn ủng hộ đề xuất của Chính phủ là thông qua theo quy trình một kỳ họp. “Hiện đang trong quá trình bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030, nếu 2 kỳ họp mới thông qua luật sẽ làm chậm hoặc làm lệch hẳn công tác xây dựng kế hoạch đầu tư này”, ông Thường lo ngại.

Cũng về phân cấp, ở Dự thảo một luật sửa 4 luật về đầu tư, phẩn sửa đổi Luật Đầu tư, quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, cũng được nhiều đại biểu đánh giá cao.

Theo nhận xét của đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu), quy định này vừa giúp giảm tải cho cấp trung ương, vừa nâng cao tính chủ động của địa phương.

Năng lực chưa đủ thì sẽ không phân cấp

Tham gia thảo luận tổ cả hai phiên về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự thảo một luật sửa 4 luật về đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã hồi âm một số vấn đề mà đại biểu còn băn khoăn, lo ngại.

Với Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, một số đại biểu lo ngại, hiệu quả của việc phân cấp có thể không như mong muốn vì năng lực cấp xã, cấp huyện hạn chế. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ linh hoạt trong điều hành, việc phân cấp hay không phụ thuộc vào quyết định của cấp trên; nếu thấy năng lực chưa đủ thì sẽ không phân cấp, nếu cấp được phân công cảm thấy năng lực chưa đủ cũng có thể xin rút.

Còn về lo lắng của một số đại biểu về việc phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giải thích, nếu dự án phải “gom một mẻ” chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để trình thì sẽ khiến địa phương lỡ cơ hội. Do đó, để Thủ tướng Chính phủ quyết là linh hoạt nhất, dĩ nhiên, Quốc hội vẫn kiểm soát tổng ngân sách.

Liên quan một luật sửa 4 luật, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, tư duy mới là chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp, phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính triệt để hơn để giảm thời gian, chi phí và không làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư.

Phần sửa đổi Luật Đầu tư đã bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Nhà đầu tư đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày, cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi tại tổ rằng, hiện các nước không ngừng đổi mới, nếu ta không đổi mới, cạnh tranh, thì nhà đầu tư sẽ đi mất. “Nhà nước chúng ta có rất nhiều quyền. Cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao... tất tần tật đều do chúng ta. Còn nhà đầu tư chỉ có một quyền thôi, đấy là không làm. Mà nhà đầu tư không làm thì chả có gì xảy ra cả. Vì vậy, phải hài hòa, quản lý nhà nước, nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền”.

Bộ trưởng dẫn chứng, ở Trung Quốc, một nhà máy ô tô hàng tỷ USD từ khi khởi công đến lúc khánh thành chỉ 11 tháng. Một trung tâm thương mại hàng triệu USD cũng chỉ mất 68 ngày. Một thành phố ở Dubai diện tích 260 ha, với 500 tòa nhà, tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD, người ta cũng chỉ làm đúng 5 năm, không sai một ngày.

“Của chúng ta, chúng tôi theo dõi thì mỗi khách sạn 5 sao ở Hà Nội mất 3 năm. Hội đồng Kiến trúc sửa đi sửa lại. Nếu làm 500 tòa nhà thì chúng ta phải mất 1.500 năm”, Bộ trưởng so sánh.

Cho rằng “thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đợt cải cách trong xây dựng pháp luật lần này hết sức mạnh mẽ, là một cuộc cách mạng lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Luật trao quyền nhiều hơn cho cơ sở

Tham gia thảo luận tổ về Dự án một luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tinh thần xây dựng pháp luật để quản lý tốt, nhưng phải thông thoáng, tạo hành lang cho kiến tạo, phát triển, “chứ không phải cái gì không quản được thì cấm”. Theo Phó thủ tướng, đây là tư duy mới xuyên suốt không chỉ trong lần sửa luật này, mà còn trong các luật khác. Thực tiễn cuộc sống rất nhanh, nếu không đáp ứng được thì sẽ mất cơ hội. Luật sẽ trao quyền nhiều hơn cho cơ sở, Chính phủ thì trao cho tỉnh, Quốc hội thì trao cho Chính phủ.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục