Vinatex, lương lãnh đạo tăng, doanh thu sụt giảm

Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như Vinacomin, Vinatex… hưởng mức lương trên nửa tỷ đồng trong năm 2014…

"Dàn" lãnh đạo Vinatex nhận lương trên nửa tỷ đồng/người trong năm 2014 "Dàn" lãnh đạo Vinatex nhận lương trên nửa tỷ đồng/người trong năm 2014

Lương sếp trên nửa tỷ đồng/năm

Bộ Công thương vừa có quyết định về việc phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao thực hiện năm 2014 của viên chức quản lý công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo đó, tổng quỹ tiền lương thực hiện đối với viên chức quản lý chuyên trách của Vinatex năm 2014 trên 8,425 tỷ đồng.

Người nhận mức lương cao nhất năm 2014 của Vinatex là ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch tập đoàn, với mức lương hưởng lên tới 640,5 triệu đồng/năm.

Đứng thứ 2 trong “dàn” lãnh đạo của Vinatex nhận lương là ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc tập đoàn với mức lương năm 2014 là 603 triệu đồng. Còn lại  2 thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), 8 Phó tổng và 2 Kiểm soát viên có mức lương đồng loạt 576 triệu đồng/người/năm.

Ông Vũ Đức Giang - nguyên Chủ tịch HĐTV Vinatex nhận mức lương 270 triệu đồng/năm 2014. Ông Giang đã chính thức nghỉ hưu từ tháng 6/2014.

So với năm 2013 thì  mức lương khủng của “dàn” lãnh đạo Vinatex năm 2014 đều tăng mạnh. Đơn cử, nếu năm 2013 mức lương ông Trần Quang Nghị được hưởng chỉ là 611,08 triệu đồng/năm, thì năm 2014 đã tăng thêm 29,42 triệu đồng/năm. Tương tự, mức lương mà ông Lê Tiến Trường lĩnh năm 2014 cũng cao hơn năm 2013 tới 40,95 triệu đồng…. Còn mức lương của các thành viên HĐTV lĩnh năm 2014 cũng tăng gần 14 triệu đồng/năm so với năm 2013.

Đáng nói, trong khi mức lương của các sếp Vinatex tăng dần đều qua từng năm, thì doanh thu của tập đoàn này lại ở chiều ngược lại, giảm dần đều. Cụ thể, doanh thu năm 2014 của Vinatex chỉ đạt 514,98 tỷ đồng, thấp hơn doanh thu năm 2013 tới gần 26 tỷ đồng…

Đây không phải lần đầu tiên mức lương “khủng” của các sếp tập đoàn, tổng công ty được công khai. Cách đây chừng 1 tháng, dư luận cũng xôn xao trước thông tin các lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được hưởng mức lương trên nửa tỷ đồng trong năm 2014.

Trong đó, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV Vinacomin là người có tiền lương cao nhất trong các vị trí lãnh đạo, đạt 639 triệu đồng - tương đương 53,25 triệu đồng/tháng. Ông Lê Minh Chuẩn giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinacomin từ tháng 6/2014, trước đó ông giữ chức Thành viên HĐTV.

Người nhận mức lương cao thứ 2 tại Vinacomin là Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải, với mức lương 590 triệu đồng, tương đương 49,2 triệu đồng/tháng, nếu làm việc đủ 12 tháng.

Tổng mức quỹ dành chi lương cho 19 vị trí quản lý của Vinacomin trong năm 2014 lên tới gần 10 tỷ đồng. Trong khi theo báo cáo tài chính năm 2014, tập đoàn lãi ròng 1.870 tỷ đồng năm 2014, giảm 200 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 10% so với năm 2013. Chi phí quản lý năm 2014 đạt 7.361 tỷ đồng, tăng 680 tỷ đồng so với năm 2013.

Vẫn chưa “xứng” tầm?

Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nhưng mức chi lương dành cho dàn lãnh đạo tại các tập đoàn, tổng công ty vẫn không ngừng tăng đang gây ra nhiều tranh cãi. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chuyện DNNN làm ăn không hiệu quả nhưng vẫn mạnh tay chi lương khủng cho các vị trí lãnh đạo, năm sau lại cao hơn năm trước, đã trở thành “luật bất thành văn”?

Chia sẻ quan điểm về mức lương “khủng” của các sếp tập đoàn, tổng công ty, TS. Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế lại có góc nhìn ngược lại. Theo TS. Lịch, mức lương 50 – 60 triệu đồng/tháng của các sếp ở các tập đoàn không hẳn là cao nếu so sánh với nhiều chức vụ tương đương tại các tập đoàn tư nhân khác, đặc biệt là nếu so với khối ngân hàng, tài chính.

“Mức này theo tôi là hợp lý để người lãnh đạo an tâm, công tâm làm việc” – ông Lịch nói và còn cho rằng, chế độ tiền lương đối với lãnh đạo các DNNN hiện nay còn cứng nhắc.

Với kinh nghiệm 10 năm tham gia vào công tác quản trị tại một Tổng công ty 91, ông Lịch cho hay, nhiều sếp DNNN than phiền rằng nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì không được… biểu dương. Ngược lại, cứ hễ thua lỗ thì ngay lập tức sẽ bị “bêu danh”.

Nhớ lại thời kỳ cách đây chừng năm, bảy năm, ông Lịch bày tỏ, lương cán bộ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thời kỳ rất thấp nên mới có chuyện họ tìm mọi cách “luồn lách” để thu nhập được cao hơn. Từ đó, cũng tạo ra nhiều kẽ hở và hệ lụy trong quản lý DNNN. Ông cho rằng, thà cứ trả cho sếp các DNNN mức lương xứng đáng để họ yên tâm làm việc, cống hiến và lãnh đạo DN, còn hơn trả lương thấp để rồi chểnh mảng, DN làm ăn kém hiệu quả.

“Không nên nhìn vào con số tuyệt đối lương của sếp DNNN, mà phải xem xét con số này trong mối tương quan với doanh thu, lợi nhuận của DN tăng hay giảm…”- ông Lịch nói.

Điều khiến vị chuyên gia này trăn trở không phải là con số tuyệt đối mức lương “khủng” mà các sếp DNNN đang hưởng, mà sâu xa hơn phải xem xét con số này trong mối tương quan với doanh thu, lợi nhuận của DN tăng hay giảm. Nếu doanh thu, lợi nhuận giảm mà chi cho lương vẫn tăng thì là điều … phản cảm.

“Liệu lợi nhuận của DNNN hiện nay đã được tính đúng, tính đủ để thấy rõ được hiệu quả đầu tư của DN đó ra sao hay chưa là một dấu hỏi. Tôi biết, nhiều DNNN cứ nói hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao, nhưng thực chất không phải vậy” – TS. Trần Du Lịch băn khoăn.

Là người có nhiều đóng góp vào câu chuyện tái cơ cấu lại DNNN, một lần nữa vị chuyên gia này nhấn mạnh quan điểm, Chính phủ phải buộc các DNNN cũng phải minh bạch, công khai thông tin như DN niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), dù chưa lên sàn, thì xã hội mới có thể giám sát được hoạt động của DNNN có hiệu quả hay không.

“Đã mang danh DNNN  nghĩa là DN của toàn dân thì phải công khai toàn bộ thông tin như khi DN niêm yết trên TTCK thì mới mong sự minh bạch”- ông nói.


baodautu.vn/infonet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục