Vinatex cần tới 20.000 tỷ, lấy đâu ra?

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cần khoảng 20.000 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu, song chưa biết thu xếp nguồn từ đâu.
Năm 2014, Vinatex sẽ triển khai 57 dự án đầu tư   Năm 2014, Vinatex sẽ triển khai 57 dự án đầu tư

Vinatex vừa kiến nghị Chính phủ cho phép để lại tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong vòng 5 năm sau khi cổ phần hóa, nhằm hỗ trợ cho các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu mà Tập đoàn đang đầu tư. Các dự náy này dự kiến khởi công trong giai đoạn 2014-2015, với nguồn vốn khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, 2014 là năm hết sức quan trọng trong công tác đầu tư chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do khối 12 nước thành viên TPP chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, với trên 12 tỷ USD. Trong khi đó, các thỏa thuận, cho đến lúc này, đều cho thấy khả năng áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi sẽ rất cao. Đây là động lực để ngành dệt may tăng tốc đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu.

Theo kế hoạch, năm 2014, Vinatex sẽ triển khai 57 dự án đầu tư, bao gồm 15 dự án sợi, 8 dự án dệt, 24 dự án may, 2 dự án bông trang trại…, trong đó có những dự án trọng điểm như: 2 nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi rồi dệt) công suất 12 triệu mét/năm; 2 nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu mét/năm và chuỗi các nhà máy sợi với tổng quy mô 200.000 cọc sợi…

Sau khi các dự án hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu tăng thêm của Tập đoàn sẽ khoảng 7.000 tấn sợi, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi… Tổng mức đầu tư cho các dự án là 9.722 tỷ đồng, riêng trong năm 2014 Vinatex dự kiến giải ngân khoảng 4.915 tỷ đồng.

Đại diện Vinatex cho biết, đến thời điểm này, vốn đầu tư vẫn là vấn đề nan giải, do các dự án nguyên, phụ liệu đòi hỏi nguồn vốn lớn, chậm thu hồi, không được sự ủng hộ của các địa phương do lo ngại về yếu tố môi trường. Trong khi đó, vốn điều lệ của Tập đoàn hiện chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng, vì vậy, nếu không thu xếp được, thì lượng vốn đi vay sẽ rất lớn. “Chỉ cần 2 năm hoạt động chưa hiệu quả là không thể gánh nổi chi phí”, ông Trần Quang Nghị nói.

Một trong những dự án trọng điểm sẽ được Vinatex khởi công trong quý II/2014, chiếm số vốn đầu tư lớn nhất (2.200 tỷ đồng) là Dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt, Nhuộm - May An Lão (Hải Phòng). Tuy nhiên, tại thời điểm này, Vinatex vẫn chưa chắc có thể khởi công Dự án đúng thời gian dự kiến, bởi vấn đề mấu chốt để dự án được triển khai sớm là vốn đầu tư vẫn chưa được xử lý xong.

Ngoài ra, Dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt, Nhuộm - May diện tích 20 ha, nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng dệt may của Tập đoàn trong những năm tới tại Quảng Bình, cũng được khởi công trong cuối năm nay, nếu việc thu xếp vốn thuận lợi. Hiện công tác khảo sát địa điểm đầu tư đã được Tập đoàn phối hợp với tỉnh Quảng Bình tiến hành gần xong.

Theo kế hoạch, cuối tháng 6/2014, Vinatex sẽ chính thức IPO. Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Tập đoàn sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó 49% cổ phần sẽ được bán ra bên ngoài, Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần và Tập đoàn sẽ có thêm nguồn lực đầu tư cho các dự án.

“Nếu được phép giữ lại phần vốn nhà nước trong thời hạn 5 năm, Tập đoàn có thể khởi công ngay các dự án thượng nguồn quan trọng, tạo đà hình thành chuỗi dệt, nhuộm, may lớn mạnh tại một số vùng trọng yếu”, ông Nghị nói.

Cùng với việc khẩn trương thu xếp nguồn vốn, Vinatex cũng kiến nghị với Chính phủ tạo những cơ chế thuận lợi như giảm giá thuê đất, điều chỉnh hợp lý các tiêu chí về môi trường…, nhằm thu hút đầu tư vào khâu dệt, nhuộm hoàn tất, gia tăng sức mạnh chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may cho ngành dệt may Việt Nam.

Hải Yến (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục