Hai năm qua, SVI lãi hơn 170 tỷ đồng/năm trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng
Vinare sẽ chỉ thoái 25% vốn và được chấp thuận giữ lại 25% vốn tại SVI. Và câu hỏi đặt ra là vì sao lại có câu chuyện này và sau khi thoái một phần vốn tại “con gà đẻ trứng vàng” SVI, Vinare có bị giảm lãi hàng năm hay không?
Vì đâu nên nỗi?
Năm 2003, SVI chính thức được cấp phép hoạt động, với 2 thành viên góp vốn là Vinare (50%) và Công ty Bảo hiểm Samsung Fire & Marine (gọi tắt là Samsung), góp 50%. Từ khi thành lập đến nay, ngoại trừ năm đầu lỗ hơn 20.000 USD, lãi tại SVI đã tăng dần hàng năm, đặc biệt 3 năm gần đây, lợi suất trên vốn luôn cao nhất thị trường (năm 2011, 2012 đều lãi hơn 170 tỷ đồng trên cùng mức vốn 300 tỷ đồng).
Suốt 11 năm qua, không kể thời gian đầu bỡ ngỡ vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, phải nương nhờ vào Vinare, thì sau đó, với lợi thế sẵn có của mình, Samsung đã “tự thân vận động”, lặng lẽ tạo nên con số lợi nhuận khủng qua các năm cho SVI.
Trong khi đó, cùng góp 50% vốn, với lợi ích được hưởng là tương đương, nhưng Vinare hầu như không có đóng góp đáng kể trong khoản lợi nhuận chung của SVI. Bởi lẽ, 100% dịch vụ bảo hiểm mà SVI nhận được đều đến từ Samsung cùng các đối tác của Samsung và các DN Hàn Quốc.
Với kết quả đạt được, SVI được đánh giá là liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động hiệu quả nhất, xét trên nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận/vốn điều lệ.
Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp có lãi lớn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh các doanh nghiệp bảo hiểm hầu như lỗ từ hoạt động này, hoặc có lãi thì cũng ở mức khiêm tốn.
Đó chính là lý do khiến Samsung nung nấu ý định nâng tỷ lệ sở hữu tại SVI lên đến 100% để được toàn quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh tại DN này.
Với việc “ép” Vinare bán hết phần vốn góp tại SVI, không ít ý kiến cho rằng, Samsung quá nặng về yếu tố lợi ích kinh tế và về lý, nếu chỉ xét trên nguyên tắc đối vốn thì tiếng nói của hai bên phải là như nhau. Căng thẳng phát sinh khi một bên muốn giữ vốn tại SVI (Vinare), một bên muốn thâu tóm hoàn toàn SVI (Samsung) đã diễn ra suốt 5 tháng qua.
Cuối cùng, với nỗ lực thương thảo của Ban lãnh đạo Vinare, người đại diện phần vốn của Vinare tại SVI là ông Trần Phan Việt Hải (cũng là Phó tổng giám đốc SVI) cùng ý chí giữ vốn tại SVI của các cổ đông lớn Vinare như SCIC (nắm 40,36% vốn tại Vinare) hay Swiss Re (nắm 25%), căng thẳng đã có lời kết: Vinare sẽ chỉ thoái 25% vốn góp tại SVI, được giữ lại 25% vốn góp tại DN này, còn Samsung sẽ nâng sở hữu tại SVI lên 75%, chứ không phải 100% như mục tiêu đặt ra.
Cần nói thêm rằng, kết quả mua lại 25% vốn tại SVI không phải là điều mong muốn của Samsung, nhưng đó là phương án cân bằng và phù hợp nhất với 2 bên lúc này. Nhưng việc giảm sở hữu tại SVI có khiến Vinare giảm lợi nhuận hàng năm hay không, là một bài toán mới của Vinare.
Vinare có giảm lãi?
Theo nguồn tin ĐTCK có được, 2 bên đang trong quá trình hoàn tất giấy phép kinh doanh theo cơ cấu sở hữu mới (Vinare nắm 25%, Samsung 75%) và việc giảm bớt 25% vốn này sẽ được phản ánh vào kết quả lợi nhuận của Vinare kể từ năm 2014.
Chia sẻ với ĐTCK, đại diện Vinare cho biết, do giao dịch chưa chính thức hoàn tất nên chưa thể bình luận gì vào lúc này. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của ĐTCK, xét trong ngắn hạn (trong năm 2014) thì việc giảm lợi nhuận của Vinare là có, nhưng có thể không lớn.
Với việc nhượng lại 25% cổ phần đang nắm giữ tại SVI cho Samsung, Vinare sẽ thu về khoảng 240 tỷ đồng. Khoản tiền này nếu chỉ gửi tiết kiệm không thôi thì mỗi năm cũng tạo ra gần 30 tỷ đồng lợi nhuận. Bên cạnh đó, với 25% vốn còn lại tại SVI, quy trên phần lợi ích được hưởng, nếu lợi nhuận năm 2014 và các năm tiếp theo tương đương lợi nhuận đạt được của SVI trong năm 2013 (khoảng 180 tỷ đồng), thì lợi nhuận thu về của Vinare xấp xỉ 45 tỷ đồng.
Các ước tính này cho thấy, dù thay đổi cơ cấu sở hữu tại SVI, nhưng lợi nhuận tổng thể mà Vinare thu được từ mối liên doanh với SVI sẽ không thấp hơn quá nhiều so với những gì Vinare đã nhận hàng năm.
... Hay ảnh hưởng nào khác?
Dễ dàng nhận thấy, nhờ có SVI mà nhiều năm qua, mỗi năm doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của Vinare là không nhỏ. 11 năm qua, SVI đã đưa dịch vụ tái bảo hiểm về Vinare với tổng số phí là 946 tỷ đồng (hơn 43 triệu USD), với chất lượng rủi ro tốt, tỷ suất lợi nhuận nghiệp vụ cao (bình quân 35 - 45%).
Còn xét ở góc độ quản trị, điều hành thì khi chỉ còn 25% vốn tại đây, “chiếc ghế” của Vinare trong Ban điều hành, HĐTV của SVI đương nhiên bị giảm bớt. Theo tìm hiểu của ĐTCK, Vinare dự kiến chỉ còn giữ 2 vị trí, đó là một ghế tại Ban điều hành và một ghế trong HĐTV. Cả chức Chủ tịch HĐTV lẫn Tổng giám đốc sẽ thuộc về người của Samsung, trong khi trước đây, Chủ tịch HĐQT Vinare, ông Trịnh Quang Tuyến là Chủ tịch HĐTV SVI, còn Tổng giám đốc SVI là người của Samsung (ông Lee Seung Hyun).
Dẫu vậy, khi chỉ còn lại 25% vốn góp tại SVI, Vinare vẫn còn những giá trị/lợi ích không tính được bằng tiền như: SVI là bàn đạp để Vinare vươn ra thị trường các nước, giữ hình ảnh đẹp trong mắt đối tác, cổ đông ngoại (Swiss Re), duy trì thứ hạng xếp hạng tài chính quốc tế…; nếu không còn sở hữu tại SVI, những lợi ích trên sẽ dần bằng 0 với Vinare.
Samsung âm thầm, đơn thân tạo lãi khủng cho SVI
Tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh SVI là 5 triệu USD, thời gian hoạt động là 30 năm, được hoạt động từ năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện vốn điều lệ của SVI là 500 tỷ đồng.
Năm 2013, SVI ước lãi 180 tỷ đồng. Năm 2012, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 170,9 tỷ đồng.
Tại nhiều cuộc họp, khi nhận được đề nghị chia sẻ bí kíp thành công như một hình mẫu để các DN bảo hiểm, đặc biệt là các liên doanh học hỏi, lãnh đạo SVI chỉ chia sẻ khá chung chung như quản lý hệ thống tốt, không bán bảo hiểm qua đại lý, nói không với hoa hồng…
Sự lặng lẽ của Samsung còn thể hiện rõ ở việc không khoa trương, múa trống, dẫu dẫn đầu thị trường về lãi nghiệp vụ suốt nhiều năm qua. Thậm chí, tại sự kiện lớn là lễ kỷ niệm 11 năm thành lập mới đây, SVI tổ chức với quy mô rất nhỏ, ngoài Vinare, không có sự xuất hiện của bất kỳ DN bảo hiểm phi nhân thọ nào. Theo SVI, các DN khác chính là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của SVI.
|