Vinalines gồng mình để không đắm lần hai

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhiều khả năng sẽ phải đón nhận năm thua lỗ liên tiếp thứ 5 do kết quả kinh doanh từ đội tàu quá bết bát.
Kinh doanh của Vinalines năm 2014 chủ yếu trông cậy vào khối cảng biển Kinh doanh của Vinalines năm 2014 chủ yếu trông cậy vào khối cảng biển

Mịt mù thị trường vận tải biển

Mặc dù chưa thể công bố đầy đủ kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014, nhưng đến thời điểm này, Vinalines chắc chắn đối diện với viễn cảnh quý thứ 11 thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2008.

Thậm chí, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, Hội đồng Thành viên Vinalines còn lên chỉ tiêu lỗ trên 1.000 tỷ đồng trong năm tài chính 2014, chủ yếu do khối doanh nghiệp vận tải biển thành viên tiếp tục ngập sâu trong khó khăn.

Cụ thể, tổng sản lượng vận tải biển của toàn Tổng công ty 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 13,5 triệu tấn, bằng 47% kế hoạch năm 2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013.

“Vài tia hy vọng le lói hồi đầu năm vụt tắt, đẩy thị trường vận tải biển thế giới trở lại tình trạng băng giá với chỉ số cước thuê tàu hàng khô (BDI) hiện chỉ còn khoảng 850 điểm, bằng 1/3 chỉ số cùng kỳ năm 2013 và bằng 1/8 cùng kỳ năm 2008”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines lý giải về kết quả kinh doanh bết bát của đơn vị đầu đàn trong ngành vận tải biển này.

Trong khi giá cước ở mức thấp, giá dầu biến động liên tục, đội tàu có tổng trọng tải khoảng 2,9 triệu DWT của Vinalines vẫn chưa thể bứt ra được những khó khăn cố hữu như tuổi tàu cao, chi phí vận hành lớn, cơ cấu đội tàu không hợp lý - thừa tàu hàng rời, thiếu tàu container…

“Đội tàu Vinalines chiếm tới 50% tổng trọng tải đội tàu cả nước, nhưng chỉ chuyên chở chưa tới 25% sản lượng vận tải biển trong nước, cho thấy hiệu quả vận hành đội tàu thấp”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.

Được biết, mặc dù lãnh đạo Vinalines tích cực làm thị trường, thậm chí năn nỉ các chủ hàng lớn, nhưng đội tàu Vinalines vẫn không thể tiếp cận, do sức cạnh tranh “đuối” hơn đội tàu tư nhân.

Đây là lý do khiến việc tái cơ cấu đội tàu, hay nói chính xác là phải sàng lọc, thanh lý  một lượng lớn tàu biển kinh doanh không hiệu quả, bao gồm cả đội tàu của công ty mẹ được đánh giá là nhiệm vụ cấp thiết của Vinalines lúc này.

“Khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu đội tàu Vinalines chính là suất đầu tư đội tàu cao, do nhiều tàu được đầu tư vào đúng thời điểm thị trường vận tải biển đang ở đỉnh cao (năm 2007-2008). Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc thị trường phục hồi, thì đội tàu cũng đã già, chi phí bảo dưỡng rất tốn kém, nên Vinalines phải chấp nhận bán cắt lỗ để giảm gánh nặng tài chính cho đơn vị”, ông Sơn cho biết.

Với việc mạnh tay bán các tàu khai thác không hiệu quả, quy mô đội tàu (hiện có tổng trọng tải 2,9 triệu DWT) của Vinalines sẽ sụt giảm rất mạnh, do việc đầu tư cho tàu mới đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt quá khả năng của đơn vị.

Trên thực tế, nếu không có hai lĩnh vực có kết quả kinh doanh tốt là khai thác cảng và logistics gánh đỡ, Vinalines rất khó đạt được tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2014 là 9.778 tỷ đồng, chỉ kém 1% so với năm 2013.

Theo ông Sơn, tình hình kinh doanh của Vinalines trong cả năm 2014 đang trông cậy cả vào khối cảng biển (trừ các doanh nghiệp liên doanh) - lĩnh vực đang được hưởng lợi từ chủ trương xiết chặt tải trọng xe trên các tuyến đường bộ để có thể cán đích mốc doanh thu 22.000 tỷ đồng. 

Điểm sáng tái cơ cấu

Những khó khăn nội tại cộng với tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu khiến công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được lãnh đạo Vinalines coi là nhiệm vụ sống còn. Trên thực tế, đây cũng là một trong số ít điểm sáng trong hoạt động của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm. “Nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, Vinalines sẽ ‘đắm’ trong vòng 2 - 3 năm tới”, ông Sơn khẳng định.

Được biết, đến thời điểm này, 7 đơn vị thành viên của Vinalines đã hoàn tất cổ phần hóa đúng kế hoạch. Trong đó, ngoài hai đơn vị đã hoàn thành cổ phần hóa từ năm 2013 (cảng Quy Nhơn, cảng Khuyến Lương), từ đầu năm đến nay, có thêm 5 đơn vị (cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng và Chi nhánh Vinalines Nha Trang) tiến hành xong việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Các đơn vị này đang hoàn tất thủ tục thu tiền bán cổ phần, xử lý số cổ phần không bán hết, tổ chức đại hội cổ đông và đăng ký doanh nghiệp. 5 doanh nghiệp khác phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2014 gồm cảng Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ.

Đối với công ty mẹ, Vinalines sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp, từ đó sẽ xây dựng phương án cổ phần hóa. Dự kiến cuối năm 2014, Vinalines sẽ xây dựng xong và trình Chính phủ phê duyệt. Nếu không có gì thay đổi, IPO sẽ được thực hiện cuối quý I/2015.

“Để tạo điều kiện cho việc IPO thành công, nhiệm vụ quan trọng nhất của Vinalines trong năm nay chính là phải cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu tài chính”, ông Công đánh giá.

Liên quan tới công tác tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ lên tới 54.746 tỷ đồng của công ty mẹ, các doanh nghiệp vận tải biển…, hiện Vinalines đã cơ cấu được 196,25 triệu USD vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và 43.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng.

Đối với các khoản nợ còn lại, một số ngân hàng thương mại trong nước, trong đó có VietinBank đã chấp thuận phương án chuyển các khoản nợ vay thành vốn góp, khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ và công ty thành viên.

“Nếu không tái cơ cấu được nợ, Vinalines có nai lưng làm cật lực cũng chưa chắc đủ khả năng trả lãi suất cho các khoản nợ quá khứ”, ông Công chỉ rõ.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục