Nhà đầu tư ruồng rẫy cổ phiếu “họ” Vinalines

Giới đầu tư đang khá lạnh nhạt với các cảng biển là các công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), mặc dù dịch vụ cảng được đánh giá là có nhiều cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhà đầu tư ruồng rẫy cổ phiếu “họ” Vinalines

Đáng lẽ ra, ngày 18/6 đã diễn ra phiên bán thỏa thuận 11.522.935 cổ phần Công ty TNHH một thành viên Cảng Quảng Ninh. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đổ bể vào phút chót, do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần.

Như vậy, thông tin đầy hào nhoáng được Cảng Quảng Ninh tung ra trước đó ít ngày về việc tàu Panamax - M/V KAVO ALKYON, trọng tải 75.000 tấn đầu tiên cập Cảng Cái Lân cũng không đủ sức lôi cuốn nhà đầu tư mua cổ phần Cảng Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 23/5, Cảng Quảng Ninh đã từng tiến hành đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng chỉ bán được 7,5% số cổ phần đấu giá, với số tiền thu về chỉ vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng.

Số phận èo uột của các đợt bán cổ phần của Cảng Quảng Ninh không phải là cá biệt. Thời gian qua, nhiều công ty cảng biển cùng “họ” Vinalines cũng gặp khó khăn trong việc chào mời cổ phiếu đến các nhà đầu tư.

Tỷ lệ cổ phần mà Công ty cổ phần TNHH một thành viên Cảng Nha Trang bán được trong phiên IPO thậm chí còn lẹt đẹt hơn so với Cảng Quảng Ninh, khi chỉ có 350.000 cổ phần được mua trong tổng số 5,56 triệu cổ phần chào bán, chiếm tỷ lệ 6,3%.

Theo phương án cổ phần hóa, Cảng Nha Trang có vốn điều lệ 245,3 tỷ đồng, tương đương 24,5 triệu cổ phần. Trong đó, 75% số này là sở hữu của Nhà nước, còn lại chia cho người lao động (1,92%), tổ chức công đoàn (0,41%) và nhà đầu tư thông thường (22,67%).

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Cảng Đà Nẵng đưa 8,3 triệu cổ phần ra IPO, nhưng chỉ bán thành công 1,6 triệu cổ phần, ế tới hơn 80% số cổ phần chào bán.

Trong khi đó, một người anh em khác cũng khá tiếng tăm là Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng tỏ ra được quan tâm hơn cả khi đợt IPO đã bán được tới 47% số cổ phần đấu giá. Theo đó, Cảng Hải Phòng đã phát hành thành công 17.669.000 cổ phần trong tổng số 37.635.600 cổ phần được bán đấu giá, thu về 238,65 tỷ đồng.

Sau khi ế quá nửa số cổ phần đem ra IPO, Cảng Hải Phòng lại tiếp tục cần mẫn chào bán tiếp số cổ phần bị ế. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không cải thiện được bao nhiêu, khi chỉ có một nhà đầu tư cá nhân tham gia mua thỏa thuận 2.000 cổ phần của Công ty.

Mặc dù số phận đàn con mang “họ” Vinalines đang bị giới đầu tư quay lưng, lạnh nhạt khi IPO, nhưng cũng rất có thể, các nhà đầu tư đang bỏ quên một lĩnh vực không phải không có tiềm năng.

Một số nhà chuyên môn cho biết, dịch vụ cảng là một trong những ngành có thể được hưởng lợi lớn, khi Việt Nam chính thức tham gia TPP.

Ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam) cho rằng, khi Việt Nam tham gia TPP, ngành có lợi thế xuất khẩu như dệt may được hưởng lợi là điều rõ ràng, nhưng dịch vụ cảng cũng sẽ “ăn theo”, bởi lưu lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu chắc chắn gia tăng mạnh.

Ngay tại thời điểm này, một số cảng biển cũng đã ngấp nghé những tín hiệu kinh doanh không hề tồi.

Theo kết quả kinh doanh của Cảng Hải Phòng trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 1.794.000 tấn, vượt 5,5% kế hoạch. Sản lượng lũy kế 5 tháng là 8.063.000 tấn, đạt 41,6% kế hoạch năm 2014 (19.400.000 tấn).

Tương tự, tại Cảng Đà Nẵng, lượng hàng hóa qua cảng tháng 5/2014 đạt 591.000 tấn, lũy kế 5 tháng đạt 2.419.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng hàng

container thông qua Cảng trong tháng 5 là 19.182 TEU, đưa sản lượng container của 5 tháng đầu năm lên 86.043 TEU, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là lượng container tăng cao nhất từ trước đến nay.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục