Vinafood 2 khó thoát kiếp sống mòn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cuộc làm việc của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Vinafood 2 mới đây được nhiều cổ đông kỳ vọng sẽ đề xuất được giải pháp đưa doanh nghiệp “thoát lầy”, nhưng mong đợi vẫn chỉ là mong đợi.

Vinafood 2 khó thoát kiếp sống mòn

Vẽ ra đường khó

Nửa đầu năm nay, công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 (mã VSF) báo lỗ sau thuế 160 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến cuối tháng 6/2020, doanh nghiệp lỗ tới 2.188 tỷ đồng.

Không chỉ thua lỗ, Vinafood 2 cũng tạo ra nhiều ồn ào trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những ngày cuối tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án liên quan đến sai phạm nghiêm trọng của các cựu lãnh đạo Vinafood 2.

Tính đến cuối năm 2019, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 727 tỷ đồng, con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, giá nguyên liệu lúa gạo trong nước tăng khoảng 25%, Vinafood 2 không còn lãi trong nhiều hợp đồng cố định giá đã ký với khách hàng trước đó.

Sự trì trệ, kém năng động đã khiến tổng công ty này rơi vào cảnh tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành.

T&T Group dù đang là cổ đông chiến lược, có Ngân hàng SHB trong hệ sinh thái, vẫn không thể đổ vốn vào hỗ trợ Vinafood2

Từ trước năm 2018, thị trường chính của Vinafood 2 là các hợp đồng tập trung, hợp đồng chính phủ. Khi chuyển sang thị trường thương mại, doanh nghiệp đã không thích ứng kịp, Tổng công ty hầu như không thể tìm kiếm được khách hàng mới.

Báo cáo tài chính của tổng công ty này cho thấy, dự phòng các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn lớn đã làm mất cân đối vốn lưu động của doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Một lãnh đạo của doanh nghiệp cho biết, điều này khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Không có vốn kinh doanh, Vinafood 2 tiếp tục trượt dài trên con đường thua lỗ. Trong khi tổng công ty vẫn phải trích khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng lạc hậu, cũ kỹ, hư hỏng...

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tập đoàn T&T Group dù đang là cổ đông chiến lược của Vinafood 2 với tỷ lệ nắm giữ hơn 25%, có Ngân hàng SHB trong hệ sinh thái, vẫn không thể đổ vốn vào hỗ trợ Tổng công ty.

Các ngân hàng cho rằng, cần phải xử lý được các vấn đề tồn tại về tài chính của Vinafood 2 mới có thể rót vốn cho tổng công ty này.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) mới đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch CSMC đã nêu giải pháp được đánh giá là khó nhất.

Đó là, Vinafood 2 làm việc với các ngân hàng về hạn mức tín dụng, vay phù hợp; xây dựng chi tiết kế hoạch vay vốn và trả nợ với điều kiện thực tế sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Để hình dung độ khả thi của giải pháp này, giới phân tích tài chính nhận xét, chừng nào SHB còn chưa dám xuống tiền, các ngân hàng khác khó dám cấp tín dụng cho một tổng công ty đang mịt mùng lối ra.

Hết năm chưa đại hội cổ đông

Nhiều cổ đông của Vinafood 2 bức xúc về việc năm 2020 sắp trôi qua, nhưng cho đến nay, Vinafood 2 vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 để thông qua các vấn đề quan trọng.

Đến nay, Vinafood 2 vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020

Tại cuộc làm việc của CSMC, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng yêu cầu Vinafood 2 khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2020, trong đó sớm thống nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh 2020.

Một cổ đông của Vinafood cho rằng, đến thời điểm này, có lẽ cần yêu cầu Vinafood 2 chuẩn bị cho Đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Là công ty cổ phần nhưng doanh nghiệp này không tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, không đảm bảo quyền tối thiểu của cổ đông, không có kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Còn nhớ, hồi tháng 3/2020, trong khuôn khổ Đại hội cổ đông bất thường của Vinafood 2, ông Đỗ Ngọc Khanh, đại diện cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T (T&T Group) đã kiến nghị Hội đồng quản trị, Ban giám đốc phải xây dựng các mục tiêu, chiến lược cụ thể, báo cáo CSMC và cổ đông chiến lược, nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ, hòa vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021 - 2022.

Được biết, sau 2 năm kể từ thời điểm Vinafood 2 IPO thành công, các thủ tục quyết toán vốn nhà nước, bàn giao sang công ty cổ phần vẫn chưa được hoàn tất. Vì thế, mong muốn của cổ đông là Nhà nước sớm thoái vốn tại tổng công ty này chưa có cơ sở để thực hiện.

Minh Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục