Chờ đợi gì từ đại hội muộn của Vinafood 2?

(ĐTCK) Sau nhiều lần trì hoãn, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) dự kiến diễn ra vào cuối tuần này với nhiều vấn đề nóng. 
Chờ đợi gì từ đại hội muộn của Vinafood 2?

Bên cạnh giải pháp nhằm vực dậy ngành lõi là kinh doanh xuất khẩu gạo trong bối cảnh cạnh ngày càng khốc liệt, việc đề xuất chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh mới dựa trên lợi thế đất vàng có phải là lối thoát cho doanh nghiệp này đang là vấn đề được cổ đông quan tâm.

Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của Ban Điều hành Vinafood 2 dự kiến trình ĐHCĐ ghi nhận doanh thu đạt 11.461 tỷ đồng, giảm 5% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 12,6 tỷ đồng, chỉ đạt 8,55% kế hoạch đề ra.

Theo giải trình, do phải bù đắp khoản thâm hụt gần 1.785 tỷ đồng sau xử lý tài chính khi chuyển sang công ty cổ phần, nên kết quả kinh doanh năm 2018 của Vinafood 2 ghi nhận lỗ 1.772 tỷ đồng, trong đó phần lớn thực hiện trích lập dự phòng cho giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi…

Đáng chú ý, báo cáo trên cho thấy, chỉ trong 2,5 tháng cuối năm, từ 9/10/2018 (là thời điểm bắt đầu chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần) tới 31/12/2018, Vinafood 2 ghi nhận lỗ 51,5 tỷ đồng trước khi xử lý tài chính, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, đạt gần 1.288 tỷ đồng, gấp 4 lần so với con số 308 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm trước thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Điều này cho thấy, việc lỗ nặng của Vinafood 2 trong năm 2018 không hoàn toàn do bù đắp thâm hụt giai đoạn trước, mà còn bởi sự giảm sút của hoạt động kinh doanh chủ lực là xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chóng mặt giai đoạn này, thực trạng ngổn ngang của Vinafood 2 không những chưa được khắc phục, mà còn bết bát hơn sau khi chuyển sang công ty cổ phần.

Trong năm 2019, với dự báo khó khăn từ thị trường xuất khẩu gạo trắng thông dụng bị cạnh tranh khốc liệt do nguồn gạo giá thấp từ Myanmar và Pakistan, đặc biệt là tại 2 thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia, Ban Điều hành Vinafood 2 vẫn “lạc quan” trình ĐHCĐ kế hoạch doanh thu mảng kinh doanh chủ lực của Công ty mẹ là 13.827 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018 và lợi nhuận đạt 50,5 tỷ đồng, trong khi kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, Vinafood 2 phải trầy trật mới đạt 60% kế hoạch đề ra và lỗ lũy kế Công ty mẹ vẫn là gần 75 tỷ đồng.

Trong các nội dung đưa ra trình ĐHCD 2019, đáng chú ý có đề xuất của Hội đồng quản trị Tổng công ty về phương án bổ sung thêm 3 ngành nghề, gồm kinh doanh bất động sản; kinh doanh bán lẻ xăng dầu, mỡ bôi trơn và sản phẩm làm mát động cơ và hoạt động quản lý bãi đỗ, trông giữ phương tiện đường bộ.

Với trên 132 cơ sở nhà đất thuộc quyền quản lý của Vinafood 2 có tổng diện tích hơn 2.1 triệu m2 tại các khu vực trung tâm ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có hơn 74 m2 đất tại TP.HCM, bao gồm cả trụ sở Tổng công ty, có thể thấy, Ban lãnh đạo Vinafood 2 thực sự đang trông chờ vào việc chuyển hướng mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh nhằm khai thác tối đa hoạt động kinh doanh từ lợi thế “đất vàng” để tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, để khai thác được lợi thế này không là câu chuyện đơn giản, khi “ông lớn” trong ngành lương thực này được đánh giá là chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, chưa kể mục đích sử dụng tài sản đất đai cũng có thể là vấn đề đối với Vinafood 2 do liên quan đến các quy định về sử dụng đất hiện hành.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi bức thiết đối với Ban lãnh đạo Vinafood 2 lúc này là làm sao cải thiện được hiệu quả ngành kinh doanh cốt lõi là xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp vốn đã rệu rã do hàng loạt “di chứng” từ thời kỳ trước cổ phần hóa cũng là yêu cầu không thể chậm trễ để “thay máu” hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Gánh nặng này không chỉ thuộc về Ban lãnh đạo Vinafood 2, mà còn đặt lên vai cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T để vực dậy Tổng công ty.

Với hơn 1.260 tỷ đồng là giá trị tính theo mức giá IPO thành công để mua lại 25% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất của Vinafood 2, Tập đoàn T&T hẳn đã có toan tính.

Trong ván bài đặt cược nghìn tỷ vào một doanh nghiệp thua lỗ triền miên như Vinafood 2, phải chăng T&T chỉ toan tính đến đất vàng?      

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục