Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 của Vinafood 2 cho thấy, doanh thu thuần đạt 12.824 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức âm 100,7 tỷ đồng và âm 59,3 tỷ đồng.
Riêng quý III/2019, Công ty có lãi nhẹ 13,75 tỷ đồng, nhưng đến chủ yếu từ khoản lợi nhuận khác, được nêu trong báo cáo hợp nhất 3 quý, tương đương 38 tỷ đồng.
Khoản này, theo giải trình, chủ yếu đến từ hoạt động động thanh lý tài sản cố định, nhượng bán tài sản… Như vậy, khoản lãi quý III dường như không phải đến từ hoạt động kinh doanh.
Giải thích lý do kinh doanh thua lỗ trong 3 quý đầu năm nay, Vinafood 2 cho biết, nguyên nhân chính là giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 luôn trong tình trạng trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm.
Trong khi đó, nhu cầu mua cũng rất yếu, giá chào mua thấp hơn đáng kể so với giá thành sản xuất khiến sản lượng gạo bán ra ít, lợi nhuận tạo ra không đủ bù đắp chi phí cố định.
Như vậy, với tình hình kém khả quan năm nay, bức tranh kinh doanh của Vinafood 2 chưa cho thấy có khả năng vượt qua tình trạng thua lỗ.
Ðược cổ phần hóa và chính thức chuyển thành công ty cổ phần vào tháng 10/2018 sau khi chuyển nhượng 25% cổ phần cho Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, nhưng cuối năm 2018, Vinafood 2 vẫn chìm ngập trong thua lỗ.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Vinafood 2, năm 2018, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 17.849 tỷ đồng, lỗ ròng tới 1.363 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban điều hành Vinafood 2 dự kiến trình Ðại hội đồng cổ đông 2019 tới đây, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ hợp nhất trước thuế từ thời điểm 9/10 - 31/12/2018 lên tới 1.393 tỷ đồng.
Năm 2019, kết quả kinh doanh vẫn không được cải thiện khi mức lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 là gần 2.043 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu của Vinafood 2 về còn 3.274 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Công ty ở mức 8.322 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, chủ yếu do tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25%, còn gần 299 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 18%, còn gần 2.318 tỷ đồng.
Nợ xấu của Vinafood 2 tính đến thời điểm 30/9/2019 là 1.303 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán và khó có khả năng thu hồi tại 17 công ty.
Trong số này có khoản cho vay khó có khả năng thu hồi trị giá hàng trăm tỷ đồng tại một số doanh nghiệp có sai phạm lớn, đã bị điều tra, truy tố như Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang (phải trích lập dự phòng 155 tỷ đồng cho khoản vay 165 tỷ đồng), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Võ Thị Thu Hà (phải trích lập dự phòng 139,5 tỷ đồng cho khoản vay 146,7 tỷ đồng)…
Ngoài ra, còn khoản tài sản thiếu chờ xử lý gần 662 tỷ đồng bao gồm hàng tồn kho 83.313,9 tấn gạo là giá trị và số lượng tồn kho thiếu chờ xử lý tại thời điểm 8/10/2018 theo Báo cáo kết quả kiểm kê đột xuất tại Công ty Lương thực Trà Vinh trước đó và lượng hàng hóa thiếu hụt của các hợp đồng xuất khẩu sang Philippines theo giá CIF DAP thuộc Xí nghiệp Vĩnh Thắng - CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (lượng hàng thiếu 5,916 tấn, gồm gạo 5% tấm là 5,138 tấn và tấm 1/2KDM là 0,778 tấn)...
Đó là chưa kể các khoản đầu tư vào 14 đơn vị bao gồm công ty con, công ty liên doanh liên kết và các đơn vị khác thì có tới 8 đơn vị phải trích lập dự phòng rủi ro với mức trích lập là 70 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban điều hành về phương hướng năm 2019 dự kiến sẽ được trình bày tại đại hội tới đây cho biết, mục tiêu năm 2019 của Vinafood 2 là đạt doanh thu hợp nhất 21.286 tỷ đồng, tăng 119,2% so với năm 2018; lợi nhuận hợp nhất sẽ thoát khỏi tình trạng lỗ, chuyển sang trạng thái lãi với con số dự kiến 53 tỷ đồng trước thuế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thị trường ngày càng khó khăn, Vinafood 2 liệu có hoàn thành được mục tiêu trên?
Nếu như năm 2019 sắp qua, thì năm 2020, cổ đông T&T sẽ làm gì để vực dậy Vinafood 2? Ðây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất trước thềm đại hội Vinafood 2.
Ðại hội đồng cổ đông của Vinafood 2 dự kiến tổ chức ngày 21/12/2019, sau nhiều lần bị hoãn trước đó.