Vinafood 2: Cổ đông lớn bắt tay tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hậu cổ phần hóa, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) không những không cải thiện hiệu quả kinh doanh mà chìm sâu hơn trong thua lỗ.
Lỗ lũy kế của Vinafood 2 tại thời điểm cuối quý III/2021 lên tới 2.703 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Vinafood 2 tại thời điểm cuối quý III/2021 lên tới 2.703 tỷ đồng.

Nợ, lỗ và lùm xùm pháp lý

Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết. Đầu năm 2018, doanh nghiệp tiến hành đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) và sau đó T&T đã trở thành cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp với việc nắm giữ 25%.

Những tưởng cổ phần hóa và có cổ đông chiến lược là tập đoàn tư nhân sẽ giúp Vinafood 2 cải thiện về quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng thực tế lại khác xa kỳ vọng.

Lỗ lũy kế của Vinafood 2 tại thời điểm cuối quý III/2021 lên tới 2.703 tỷ đồng.

Kể từ quý IV/2019 tới nay, Vinafood 2 triền miên báo lỗ. Cụ thể, quý IV/2019, Tổng công ty lỗ 118 tỷ đồng, quý I/2020 lỗ 116,9 tỷ đồng, quý II/2020 lỗ 43,5 tỷ đồng, quý III/2020 lỗ 55,8 tỷ đồng. Năm 2021, Vinafood 2 lần lượt báo lỗ 80,5 tỷ đồng, 66,3 tỷ đồng và 98,6 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối quý III/2021 lên tới 2.703 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 2.585 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, nợ phải trả lên đến 4.778 tỷ đồng, tương đương 64,8% tổng tài sản. Tiền và tương đương tiền chỉ có 256 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm âm tới 1.193 tỷ đồng.

Trong hai năm 2020, 2021, tình hình kinh doanh của Vinafood 2 đã khó lại càng thêm khó. Tổng công ty cho biết, “tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021 trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm do nhu cầu rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất” và “đại dịch Covid-19 khiến chi phí sản xuất tăng cao”.

Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp cùng ngành vẫn báo lãi tốt kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) ghi nhận doanh thu 7.114 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tạm tính 262 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành lương thực đạt doanh thu hơn 3.243 tỷ đồng, đóng góp 46% vào tổng doanh thu. Năm 2020, Lộc Trời báo lãi 436 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) năm 2020 ghi nhận lãi 97 tỷ đồng, còn 9 tháng đầu năm nay lãi 51 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xuất khẩu An Giang (Angimex, mã AGM) trong 9 tháng đầu năm cũng báo lãi 17,8 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam

(Vinaseed, mã NSC) báo lãi 240 tỷ đồng trong năm 2020 và 147 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.

Dù có bề dày hoạt động, quy mô lớn và lợi thế riêng của tổng công ty nhà nước, nhưng Vinafood 2 đang tự bỏ mình lại phía sau trong cuộc đua tăng trưởng của doanh nghiệp ngành gạo.

Thực tế, từ trước năm 2018, Vinafood 2 chủ yếu phát triển với các hợp đồng tập trung, hợp đồng bán gạo cho Chính phủ. Khi chuyển sang thị trường thương mại, sự chậm chuyển biến khiến Tổng công ty khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới.

Bên cạnh việc thua lỗ và nợ nần, nhiều năm nay, Vinafood 2 liên tục vướng nhiều lùm xùm pháp lý. Tháng 5/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Võ Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị

Vinafood 2, do liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Ông Hà cũng không còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood 2 theo Nghị quyết Hội đồng quản trị từ ngày 22/10/2021.

Cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, 34 - 36 - 42 Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP.HCM).

Cụ thể, sau khi được Nhà nước giao hơn 6.000 m2 đất vàng tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, Vinafood 2 đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân để chuyển nhượng trái phép đất công thành đất tư.

Trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vinafood 2 và Công ty Việt Hân còn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thế chấp tài sản, vay nhiều ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng trái luật từ năm 2010 đến nay.

Tính đến 30/9, tổng dư nợ vay của Vinafood 2 gần 4.800 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn (3.468 tỷ đồng, chiếm đến 72,5% tổng nợ).

Lối thoát nào cho Vinafood 2?

Trở lại với câu chuyện về sự xuất hiện của cổ đông chiến lược đã không tạo được sự thay đổi tích cực tại Vinafood 2 như kỳ vọng, còn nhớ, hồi tháng 2/2018, khi doanh nghiệp này phát đi thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chỉ có hai doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia là Tập đoàn T&T và Tập đoàn FPT. Do hồ sơ dự thầu của FPT không hợp lệ, T&T đã trở thành ứng viên duy nhất.

Để nắm giữ 25% cổ phần của Vinafood 2, T&T Group đã phải bỏ ra khoản tiền hơn 1.260 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm, khoản đầu tư này của T&T đã bị ăn mòn đáng kể do doanh nghiệp thua lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu bị hao hụt đáng kể.

Vinafood 2 đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 23/4/2018 với mã chứng khoán VSF. Phiên giao dịch 24/12/2021, cổ phiếu VSF được giao dịch ở mức giá 7.800 đồng/cổ phiếu với thanh khoản chỉ trên 50.000 cổ phiếu.

Ngày 10/11/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra thông báo cổ phiếu VSF đang bị hạn chế giao dịch trên UPCoM do chậm công bố báo cáo bán niên soát xét năm 2021 (quá 45 ngày so với quy định). Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo, đồng nghĩa với việc cổ phiếu chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần.

Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với phía Tập đoàn T&T để tìm hiểu về chiến lược đầu tư tại Vinafood 2 cũng như vấn đề quản trị tại doanh nghiệp này. Đại diện Tập đoàn T&T khẳng định, “T&T hiện vẫn đang là cổ đông chiến lược của Vinafood 2”.

Về nguyên nhân thua lỗ của Vinafood 2, theo T&T, chủ yếu là do khi chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp phải xử lý tài chính của các tồn tại cũ 1.769 tỷ đồng. Vốn điều lệ chủ yếu dùng để đầu tư tài sản cố định và đầu tư dài hạn do vậy thiếu vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, các vụ án tồn tại trước đây chưa được xử lý dứt điểm cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tình hình dịch bệnh bùng phát năm 2020, 2021 ảnh hưởng nặng nề tới các đơn vị trong hệ thống của Vinafood 2, do chủ yếu nằm trong khu vực phía Nam.

Diễn biến đáng chú ý gần đây tại Vinafood 2 là việc Hội đồng quản trị bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Hưng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng thời là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Ông Hưng nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), được điều động về công tác tại Vinafood 2 từ ngày 4/8/2021. Ông Hưng được cử làm đại diện vốn Nhà nước, đại diện 100 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Hiện cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 51,426% vốn tại Tổng công ty.

Theo đại diện T&T, “với sự quyết tâm của chủ sở hữu Tập đoàn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao, ngày 22/10, Vinafood 2 đã thực hiện thay 2 thành viên Hội đồng quản trị và thay Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật.

Tập đoàn cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất cao trong việc tái cơ cấu Tổng công ty, sắp xếp các đơn vị, tạo dòng tiền mới cho hoạt động kinh doanh, hướng tới năm 2022 khắc phục lỗ và có lãi”n

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục