Vietstar Airlines sẽ phải tiếp tục chờ để được xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không vừa trả lời đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar.
Vietstar Airlines là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam. Vietstar Airlines là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

Cụ thể, trong công văn vừa gửi tới Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, Bộ GTVT đề nghị doanh nghiệp này thực hiện đúng nội dung Công văn số 13441/BGTVT – VT ngày ngày 28/11/2018 của bộ này về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và đảm bảo đúng các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan.

Tại công văn số 13441, Bộ GTVT đã nhắc lại ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ liên quan đến việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar.

Cụ thể, tại công văn số 495/TTg – CN ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành việc xây dựng nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Thông báo số 309/TB – VPCP ngày 18/7/2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đúng quy định của tại Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan.

Hiện Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đề xuất đầu tư vẫn đang trong giai đoạn chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp được phê duyệt vào tháng 4/2020 thì phải sau 37 tháng nữa Dự án mới có thể hoàn thành.

Vào tháng 3/2020, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar đã gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để khai thác hoạt động hàng không thương mại, thường lệ với lý do là sân bay Tân Sơn Nhất đã xây dựng thêm nhiều sân đỗ so với cách đây 2 năm. Hãng bay này được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại Tp. HCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng với 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn; Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% vốn và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Hãng hiện mới chỉ có Giấy phép kinh doanh vận chyển hàng không chung, bao gồm việc cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không theo phương thức thuê chuyến nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng có nhu cầu vận chuyển nhanh chóng, riêng tư hoặc du lịch theo nhóm hay gia đình đối với hành khách.  Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar cũng mới được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ nhà khai thác máy bay (AOC) với 2 loại tàu bay: Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục