Vietnam Airlines và Vietjet vẫn là những công ty vận tải uy tín nhất năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2020 mới đây vừa được Vietnam Report công bố với sự có mặt của các tên tuổi lớn quen thuộc trong các lĩnh vực này bất chấp những thiệt hại nặng nề do dịch Covid 19. 
Vietnam Airlines và Vietjet vẫn là những công ty vận tải uy tín nhất năm 2020

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề do tác động kéo dài của dịch Covid 19, song các doanh nghiệp du lịch và các hãng vận tải trong lĩnh vực hàng không, đường sắt vẫn nỗ lực tìm mọi giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những nỗ lực này, dù tổn thất kinh tế vô cùng lớn với dự kiến suy giảm lợi nhuận lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và tiếp tục kéo dài trong năm 2021, song nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực vận tải như Vietnam Airlines, Vietjet, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Vận tải Hà Nội vẫn xuất hiện trong các vị trí dẫn đầu trong Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2020.

Tương tự, trong Bảng xếp hạng top 10 Công ty Du lịch Uy tín 2020, nhiều hãng lữ hành tên tuổi lớn vẫn ghi danh trong Top đầu như Vietravel, Saigon Tourist, Bến Thành Tourist, Hà Nội Tourist….

Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2020 được xây dựng dựa trên việc đánh giá, xếp hạng theo ba tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 11-12/2020.

Danh sách 1: Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2020

Danh sách 2: Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2020

Triển vọng ngành Du lịch và Vận tải hành khách

UNWTO dự đoán việc phục hồi của ngành Du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến ​​sẽ mất tới 4 năm. Du lịch nội địa đang tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để giúp duy trì nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch, và sẽ tiếp tục là động lực phục hồi chính trong ngắn hạn và trung hạn.

Tuy nhiên, ngay cả khi các hoạt động du lịch trong nước đã có một số khởi sắc, một phần do ảnh hưởng các hạn chế đi lại quốc tế và hành vi của khách du lịch thay đổi, người dân sẽ khó khăn trong việc sắp xếp được thời gian và tài chính để đi du lịch, mức du lịch nội địa vẫn sẽ giảm mạnh so với trước khi có đại dịch trong năm 2020 và 2021.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường nội địa, kết nối với các nhà cung cấp trong nước, bởi trước khi có dịch các doanh nghiệp này chỉ chuyên phục vụ thị trường inbound và outbound. 60% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần từ 13 đến 18 tháng để phục hồi và cũng có đến 20% doanh nghiệp chỉ cần từ 7 đến 12 tháng để có thể phục hồi tình hình kinh doanh như trước.

Đối với ngành Vận tải hành khách, IATA dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021.

Việc các hãng hàng không cắt giảm chi phí cùng với nhu cầu gia tăng trong năm 2021 (do mở cửa trở lại biên giới và thử nghiệm và/hoặc sự sẵn có phổ biến của vắc xin) được kỳ vọng sẽ đưa dòng tiền dương trở lại vào quý IV/2021.

Trên thực tế, các hãng hàng không đã có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý IV/2020 mặc dù sự phục hồi này còn khá yếu ớt. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế chủ yếu thúc đẩy vận tải hàng hóa qua đường hàng không chứ không phải vận tải hành khách.

Hành khách quốc tế thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong số hành khách nội địa do đó tình hình các chuyến bay quốc tế chậm phục hồi cũng ảnh hưởng đến việc phục hồi lượng hành khách nội địa.

Thêm vào đó, những nỗ lực kích cầu bằng việc đưa ra các chính sách ưu đãi của các hãng hàng không cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, và sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào tâm lý hành khách nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Tóm lại, không chỉ riêng vận tải hàng không mà hoạt động vận tải hành khách nói chung sẽ cần từ 3 - 5 năm để có thể phục hồi như trước đại dịch.

Top 5 giải pháp của các doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ bình thường mới

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy top 5 giải pháp của các doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ bình thường mới.

Hình 2: Top 5 giải pháp của các doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ bình thường mới
Hình 2: Top 5 giải pháp của các doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ bình thường mới

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra 5 giải pháp, góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp du lịch và giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.

Hình 3: Top 5 giải pháp của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch
Hình 3: Top 5 giải pháp của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch

Đồng thời, Chính phủ và chính quyền địa phương cần tiếp tục kiểm soát tốt an toàn vệ sinh dịch tễ, an ninh, trật tự, môi trường tại các điểm du lịch và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch Việt Nam và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù cho ngành Du lịch.

Top 4 giải pháp của các doanh nghiệp vận tải hành khách

Với ngành vận tải, top 4 giải pháp được các doanh nghiệp tập trung để ứng phó và thích nghi với bối cảnh bình thường mới đó là cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu hoạt động, xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng hiệu quả và tăng cường huy động vốn để khơi thông dòng tiền.

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng với Vietnam Airlines, hai hãng hàng không còn lại là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng xin hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm, đồng thời kéo dài thời gian giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay đến hết năm 2021, giảm 70% thuế môi trường…

Bên cạnh vận tải hàng không, các loại hình vận tải khác đã đề xuất phương án hỗ trợ giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn hoặc áp dụng mức lãi suất ưu đãi không quá 6%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục