Công bố xếp hạng Top 10 công ty uy tín ngành Logistics 2020

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 vừa được Vietnam Report công bố với sự xuất hiện của các gương mặt điển hình trong lĩnh vực Logistics tại bảng xếp hạng năm nay

Công bố xếp hạng Top 10 công ty uy tín ngành Logistics 2020

Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2020.

Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 - Nhóm ngành: Giao nhận vận tải quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4

Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 - Nhóm ngành: Vận tải hàng hóa

Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 - Nhóm ngành: Khai thác cảng

Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020 - Nhóm ngành: Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối

Sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, thế giới đang kết nối hơn bao giờ hết đã mở ra cơ hội lớn cho thương mại toàn cầu và thúc đẩy chuỗi cung ứng phát triển với quy mô, mức độ tích hợp cao hơn.

Tuy nhiên, chính vì tính liên kết mạnh mẽ đó mà khi một cú sốc bất ngờ như đại dịch COVID-19 xảy ra đã tạo nên một làn sóng chấn động toàn thế giới, phơi bày các vấn đề cơ bản của chuỗi cung ứng nói chung và ngành logistics nói riêng – xương sống của chuỗi cung ứng. Do vậy, tất cả câu chuyện từ việc ứng phó với khủng hoảng cho tới khắc phục những sai lầm, đề ra chiến lược phát triển trong thời hậu COVID-19 của ngành logistics sẽ khó mà tách biệt riêng rẽ với chuỗi cung ứng.

Nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian qua, gần 70% số doanh nghiệp có niềm tin vào sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra tình hình kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì tại Việt Nam thì triển vọng ngành trong năm tới không được khả quan.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về đánh giá thị trường logistics tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch COVID-19 cho thấy, trên 56% số doanh nghiệp trong ngành cho rằng bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh có thể còn khó khăn hơn nữa.

Điều này có thể giải thích bởi Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế khá lớn, một khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn chưa được kiểm soát, những làn sóng COVID-19 thứ 3, thứ 4 hoàn toàn có thể xảy ra thì thương mại quốc tế còn bị ảnh hưởng.

Là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp logistics trong nước được khuyến nghị cần phải chủ động gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nói riêng và toàn khu vực, toàn cầu nói chung.

Nhằm gắn kết với các nền kinh tế khu vực và thế giới, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực đàm phán và thông qua một số hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, EVFTA hay RCEP. Những hiệp định này chính là cú hích cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics.

Đó là do khi thâm nhập thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ cần thực hiện các dịch vụ như vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan trong nước. Ngoài ra, với cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ các nước tham gia hiệp định, doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những thiết bị sản xuất với giá hợp lý, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, buộc các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Khảo sát Vietnam Report thực hiện năm 2019 đã chỉ ra 8 yếu tố cần cải thiện đối với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng ngành Vận tải và Logistics, trong đó có 72,7% doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy (chiếm 63,6%), sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích (45,5%), độ đáp ứng (45,5%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,4%) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,2%). Về cơ bản, đây là những điểm yếu từ nội tại doanh nghiệp cần thời gian dài để có thể cải thiện.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục