Công bố Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2020

(ĐTCK) Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng, Top 10 nhà thầu xây dựng uyy tín và Top 5 nhà thầu cơ điện uy tín năm 2020  năm 2020 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố.
Công bố Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2020

Đứng đầu xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm nay là Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons. Đây đều là những tên tuổi nhà thầu xây dựng lớn và xuất hiện trong top đầu bảng xếp hạng nhà thầu xây dựng uy tín trong 2 năm trở lại đây.

Công bố Top 10 công ty uy tín ngành xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2020  ảnh 1

Dẫn đầu đầu Top 10 công ty vật liệu xây dựng uy tín 2020 là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, tiếp sau là Tổng công ty Viglacera - CTCP và Công ty cổ phần Vicostone.

Top 5 nhà thầu cơ điện uy tín năm 2020 cũng được công bố với 3 vị trí dẫn đầu thuộc về Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật cơ điện lạnh REE, Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico) và Công ty CP cơ điện Đoàn Nhất.

Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, gồm Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (có so sánh, đối chiếu và đánh giá với các chuẩn của ngành); Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát chuyên gia trong ngành; khảo sát doanh nghiệp về tình hình kinh doanh, thị trường hoạt động, số lượng và chất lượng dự án… trong giai đoạn 2019-2020 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành. 

Thị trường xây dựng - vật liệu xây dựng năm 2020: “Gạn đục khơi trong”

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, phần lớn doanh nghiệp cho rằng năm 2020 kinh doanh sẽ khó khăn hơn (73,9%), chỉ có 13,0% doanh nghiệp lạc quan kỳ vọng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng hơn so với năm trước, 4,3% cho rằng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2019.

Đáng chú ý, khoảng 8,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng thị trường sẽ “trầm lắng” trong 6 tháng đầu năm, và sẽ trở lại sôi động trong 6 tháng cuối năm sau khi dịch kết thúc, và các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả.

Theo thống kê của FiinPro, trong quý I/2020, ngành xây dựng - vật liệu xây dựng đã ghi nhận mức giảm 9,5% đối với doanh thu và 10,2% đối với lợi nhuận sau thuế. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý 1/2020 chỉ ra rằng có đến 47,5% số doanh nghiệp kinh doanh khó khăn hơn, 33,7% số doanh nghiệp giữ được ổn định và 18,8% số doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.

Mặc dù triển vọng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng trong năm nay không khả quan, nhưng theo các chuyên gia cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, đây chính là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, tiến tới tái cấu trúc.

Nói cách khác, thị trường “sàng lọc” yếu tố chưa phù hợp, để phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Để vượt qua giai đoạn “gạn đục khơi trong” này, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và linh hoạt.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, công trình hiện có; Tăng cường công tác quản trị tài chính; Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; Tiếp tục phát triển thương hiệu; và Nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp được đánh giá là khá tương đồng với mô hình hành động 5Rs (Resolve, Resilience, Return, Reimagination và Reform) của McKinsey giúp doanh nghiệp xử lý khủng hoảng thời COVID-19.

Ngành xây dựng sử dụng khoảng 4,3 triệu lao động trên 15 tuổi, phần lớn là lao động thời vụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 13,1%. Nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của doanh nghiệp. Vì vậy, ưu tiên số 1 của các doanh nghiệp chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

7 xu hướng trong ngắn hạn và dài hạn

Trước đại dịch, ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cũng đã cho thấy “thế yếu” so với các ngành khác: Năng suất dậm chân tại chỗ, mức độ số hóa thấp, khả năng sinh lời thấp là một số điển hình. Đó là còn chưa kể đến tính đặc thù của ngành, hệ sinh thái phân mảnh và tỷ lệ lao động giản đơn trực tiếp tại công trường cao.

Những năm gần đây một loạt các sức ép như sự khan hiếm lao động tay nghề cao, các đòi hỏi cao về kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới, phương thức sản xuất và công nghệ đang đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải không ngừng đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh thay đổi này, 7 xu hướng được dự báo sẽ diễn ra trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng thời gian tới bao gồm số hóa tăng, tái lập trạng thái cân bằng của các chuỗi cung ứng hướng đến sự thích nghi, hợp nhất và hợp tác gia tăng, tích hợp hội nhập theo chiều dọc, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ/số hóa và đổi mới hệ thống xây dựng, gia tăng mô hình xây dựng tiền chế, các thiết kế và công trình hướng đến cuộc sống trong lành hơn.

Trước tác động kép của triển vọng thị trường năm 2020 chưa khởi sắc và ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị lãnh đạo doanh nghiệp ngành XD-VLXD cần vững vàng đưa ra những quyết sách quan trọng để vượt qua khó khăn, tạo đà phát triển cho giai đoạn sau, chìa khóa để biến “nguy” thành “cơ” chính là phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục