Ngày 22/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước.
Theo đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia, tối đa 20% công suất lắp đặt thực tế. Các công trình lắp trên mái công sở, tài sản công sẽ không được mua bán lượng điện dư.
Các dự án điện mặt trời mái nhà tự dùng không nối với lưới quốc gia được phát triển không giới hạn công suất, miễn giấy phép hoạt động điện lực. Tương tự, các hệ thống có thiết bị chống phát ngược lên lưới hoặc lắp tại hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ dưới 100 kW cũng thuộc trường hợp miễn trừ này.
Ngược lại, các hệ thống công suất từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào lưới quốc gia phải thực hiện thủ tục quy hoạch, có giấy phép hoạt động điện lực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua và thanh toán cho các tổ chức, cá nhân bán sản lượng điện dư thừa phát lên hệ thống. Giá mua là giá điện thị trường bình quân của năm trước liền kề, do đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện công bố.
Trong nhận định mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng chính sách này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiếu hụt điện đối với Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2030. Ngoài ra, điều này sẽ có tác động tích cực đến một số cổ phiếu như PC1 và BCG trong trung hạn.
Về CTCP Tập đoàn PC1 (mã PC1), hiện tại Công ty sở hữu 30 MW điện mặt trời mái nhà tại KCN Nomura 1 giai đoạn 1 và dự kiến phát triển thêm 30 MW/50 MW/50 MW tại KCN Nomura 1 giai đoạn 2, Nomura 2 và KCN của công ty liên kết - Western Pacific trong vòng 3 - 5 năm tới.
Về CTCP Bamboo Capital (mã BCG), Công ty cho biết đã phát triển 30 MW trong năm 2024 cho một số khách hàng, bao gồm MWG, và dự kiến sẽ phát triển thêm khoảng 50 MW mỗi năm trong các năm tiếp theo với nghị định mới.
Trong khi đó, CTCP Cơ điện Lạnh (mã REE) vẫn đang chờ chính sách áp dụng cho các dự án quy mô lớn (từ 1.000 kW trở lên).
Ngoài ra, Vietcap cũng nhận thấy tác động tích cực nhẹ đối với các cổ phiếu khu công nghiệp nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư mới vào điện mặt trời mái nhà để phục vụ cho khách hàng trong các khu công nghiệp.
Hiện tại, một số công ty trong danh mục theo dõi của Viecap đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng danh mục điện mặt trời. Đáng chú ý, Tổng Công ty IDICO (mã IDC) đã đầu tư khoảng 25 MW và đặt mục tiêu sẽ tăng lên 100 MW vào năm 2026, trong khi CTCP Đầu tư Sài Gòn VGR (mã SIP) đã đầu tư 50 MW và đang tìm cách bổ sung thêm 10 - 20 MW.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng khả năng ban hành thông tư hoặc hướng dẫn về thực hiện Thỏa thuận Mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ là một yếu tố hỗ trợ lớn cho việc đầu tư vào điện mặt trời mái nhà”, Vietcap nói thêm.
Trước đó, vào tháng 04/2020, Chính phủ đã phê duyệt biểu giá điện ưu đãi (FIT) cho các dự án điện mặt trời mái nhà đã được đưa vào hoạt động thương mại trong khoảng thời gian từ tháng 07/2019 - 12/2020, với mức giá 1.943 đồng/kWh.
Chính sách này mang lại IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) hấp dẫn ở mức từ 12-15%, giúp công suất lắp đặt điện mặt mái nhà tăng gấp 26 lần vào năm 2020, đạt 7.755 MW. Tuy nhiên, kể từ khi mức FIT này hết hạn vào đầu năm 2021, việc đầu tư vào điện mặt trời mái nhà gần như đã dừng lại. Nghị định số 135/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Vietcap cho rằng, giá bán điện dư thừa sẽ được căn cứ vào giá điện năng thị trường trung bình của năm trước, do EVN và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) quyết định. Mức giá này có thể thấp hơn 44% so với FIT trước đó.