Những doanh nghiệp có triển vọng sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép đang dần tích cực hơn. Kỳ vọng, từ giữa năm 2025 trở đi, ngành thép sẽ có đà tăng trưởng cao trở lại.
Cuối năm là mùa xây dựng, giá thép được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng Cuối năm là mùa xây dựng, giá thép được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng

Giá thép tăng

Cuối năm 2023, giá thép xây dựng dao động quanh mức 13,8 triệu đồng/tấn, nhưng hiện đã tăng lên 14,2 - 14,5 triệu đồng/tấn.

Tính riêng 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép tăng giá bán như Hòa Phát, Việt - Ý, Việt - Đức, Việt - Sing, Kyoei Việt Nam, VJS..., với mức tăng phổ biến từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, ngành thép đang bước vào chu kỳ phục hồi. Giá thép xây dựng tăng phản ánh tâm lý kỳ vọng thị trường bất động sản trong nước khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép tăng. Giá thép trong nước chịu tác động lớn bởi thị trường Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm đến 50% tổng sản lượng toàn cầu. Các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc thời gian qua đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản nước này.

Trước đó, do sự hấp thụ kém của thị trường, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp. Nhưng hiện nay, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục, giá phôi thép có diễn biến tăng nên các doanh nghiệp sản xuất thép bắt đầu tăng giá bán thành phẩm.

Thời gian tới, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ hồi phục rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu cả về nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm gia tăng, dẫn tới giá bán tăng, ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường Việt Nam. Khi đó, những doanh nghiệp thép dự trữ nguyên liệu có giá thấp từ trước sẽ được hưởng lợi, biên lợi nhuận tốt hơn.

Tất nhiên, nhu cầu thép tại Việt Nam gia tăng nhờ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh là yếu tố quan trọng giúp giá thép trong nước hồi phục.

Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo, giá thép năm 2024 tăng 4% và năm 2025 tăng hơn 8%. Theo công ty chứng khoán này, thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc có thể được áp dụng, đồng thời cán cân cung - cầu thép tại Trung Quốc cân bằng hơn sẽ giảm thiểu lượng thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam.

Chu kỳ hồi phục phụ thuộc vào 2 yếu tố

Chu kỳ phục hồi của ngành thép diễn ra trong ngắn hạn hay dài hạn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là thị trường bất động sản trong nước và hoạt động xuất khẩu thép.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, chu kỳ phục hồi của ngành thép diễn ra trong ngắn hạn hay dài hạn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là thị trường bất động sản trong nước và hoạt động xuất khẩu thép.

Thứ nhất, thị trường bất động sản hiện nay đã được khơi thông pháp lý khi cả 3 luật quan trọng cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 gồm Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023, nhưng cần có những văn bản hướng dẫn chi tiết để thị trường sớm phục hồi rõ nét.

Để thị trường bất động sản hồi phục, ngoài yếu tố về chính sách còn cần sự tăng trưởng của tiêu dùng, bởi người dân chỉ mua nhà khi có điều kiện về kinh tế. Thị trường xây dựng thường phản ánh trước sự tăng trưởng của tiêu dùng nên khi hoạt động xây dựng rục rịch quay trở lại là lúc thị trường tiêu dùng bước vào giai đoạn tăng trưởng. Lĩnh vực xây dựng khởi sắc sẽ kéo theo nhu cầu về thép… Theo đó, chu kỳ tăng trưởng của ngành thép có bền vững hay không phụ thuộc chính vào việc thị trường bất động sản phục hồi tốt hay không.

Yếu tố thứ hai là xuất khẩu. Hiện nay, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ quan tâm nhiều đến đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu thép sang các thị trường này. Xuất khẩu tăng tốc sẽ góp phần giúp chu kỳ phục hồi của ngành thép bền vững hơn.

“Trong dài hạn, tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng trở lại. Chúng tôi dự báo, có thể đến tháng 6/2025 trở đi, thị trường thép mới ghi nhận đà tăng trưởng tốt khi nền kinh tế phục hồi, tiêu dùng tăng trưởng”, ông Nguyễn Thế Minh nói.

Một số doanh nghiệp có triển vọng sáng

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, ghi nhận doanh thu 28.766 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Hòa Phát đạt hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%; lợi nhuận sau thuế 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan, với tỷ trọng 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp. Nhóm thép ghi nhận lợi nhuận tăng 42%, trong đó thép xây dựng tăng 29%.

Giới phân tích đánh giá, bên cạnh yếu tố hưởng lợi từ thị trường chung, động lực tăng trưởng trung hạn của Hòa Phát là dự án Dung Quất 2. Dự án này có công suất 5,6 triệu tấn/năm, dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2024, nâng tổng công suất của Hòa Phát lên 14,5 triệu tấn/năm, gồm 5,9 triệu tấn thép xây dựng, 7,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép chất lượng cao, tiếp tục khẳng định vị trí doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam và Đông Nam Á.

Với Thép Nam Kim (mã NKG), xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu là thế mạnh của doanh nghiệp. Giá thép bước vào chu kỳ tăng mới kể từ quý III/2024 và nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng có thể giúp Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo, năm 2024, Thép Nam Kim có khả năng đạt 21.811 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% và 719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 6,1 lần so với năm 2023.

Tại Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 29.163 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận sau thuế 696 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 173 tỷ đồng. Kết quả này tương đương 81% kế hoạch doanh thu và 174% kế hoạch lợi nhuận niên độ tài chính 2023 - 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024). Nhu cầu thép mạ trong nước gia tăng nhờ thị trường bất động sản dân dụng hồi phục và hoạt động xuất khẩu tới EU, Bắc Mỹ được đẩy mạnh với mức giá cạnh tranh đã giúp Hoa Sen ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Chứng khoán Shinhan Việt Nam kỳ vọng, kết thúc niên độ tài chính 2023 - 2024, Hoa Sen sẽ đạt doanh thu 40.843 tỷ đồng, tăng 29%; lợi nhuận 857 tỷ đồng, gấp 28 lần so với niên độ trước.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu thép hiện có mức tăng giá cao so với mặt bằng chung kể từ đầu năm 2024 đến nay như HPG tăng hơn 19%, TIS tăng hơn 72%, NKG tăng hơn 13%, TVN tăng hơn 29%, VGS tăng hơn 94%...

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục