Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
Bà Chu Hải Vân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) khá lạc quan về thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2022.

Chưa bao giờ, kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn như năm 2021, tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng vẫn đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Bà nhận định gì về con số này?

Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau 2 năm giảm tốc. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng bị tác động rất nặng nề, đặc biệt là từ tháng 5 đến hết tháng 9/2021, nhưng thu hút vốn FDI vẫn không hề sụt giảm, cho thấy doanh nghiệp FDI rất tin tưởng vào đường lối phát triển kinh tế, cũng chiến lược chống dịch của Việt Nam.

Bà Chu Hải Vân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Bà Chu Hải Vân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Họ vẫn coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh vì Việt Nam có thế mạnh mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được. Đó là địa chính trị, xã hội ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn giữ được bảo đảm, năng suất lao động ngày càng được cải thiện và Việt Nam có khát vọng phát triển kinh tế với những mục tiêu đặt ra rất rõ ràng cho từng giai đoạn 5 năm.

Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được củng cố khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp với rất nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất.

Nhưng số dự án đăng ký mới trong 11 tháng của năm nay (1.577 dự án) giảm gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái, thưa bà?

Trong 11 tháng của năm nay, số dự án “mini” (từ 5 triệu USD trở xuống) đăng ký mới giảm gần 35%, khiến số dự án cấp mới giảm. Số dự án cấp mới giảm, nhưng vốn đăng ký vẫn tăng 3,76% và vốn điều chỉnh tăng 26,7%, đã cho thấy chất lượng thu hút FDI đang được cải thiện. Điều này được thể hiện qua việc thu hút thêm nhiều dự án khủng như Dự án Nhà máy điện LNG (trên 3,1 tỷ USD); Dự án LG Display (2,15 tỷ USD); Nhà máy nhiệt điện Ô Môn (trên 1,31 tỷ USD); Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina (611,4 triệu USD); Công ty Polytex Far Eastern tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD...

Chất lượng dự án FDI còn được thể hiện ở việc, nếu như những năm trước đây, lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, thì trong 11 tháng của năm nay đã lùi về vị trí thứ 3; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất, phân phối điện đã lên vị trí thứ 2 với trên 5,7 tỷ USD vốn FDI, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Diễn biến dòng vốn FDI đang theo đúng định hướng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam là giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Bà nhận định thế nào về số lượng nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp và số vốn mua cổ phần 11 tháng của năm nay giảm tương ứng 40,4% và 33% so với cùng kỳ năm 2020?

Nguyên nhân cũng là do dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi đặc thù của M&A là nhà đầu tư luôn tham gia trực tiếp để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, đối tác, doanh nghiệp mà họ định rót vốn, nhưng việc hạn chế đi lại, di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định đầu tư gián tiếp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn, nên năm nay bị giảm so với năm ngoái.

Về cơ bản, người dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin, nhiều nước trên thế giới cũng vậy, nên các nước dần mở cửa đường hàng không, Việt Nam cũng đang tích cực phục hồi lại đường hàng không, nới lỏng dần hạn chế đối với khách quốc tế đến Việt Nam. Tôi tin rằng, số lượng nhà đầu tư gián tiếp cũng như số vốn góp, mua cổ phần sẽ phục hồi trở lại vào năm 2022 tới.

Năm 2022, thu hút FDI của Việt Nam liệu có tiếp tục đà tăng trưởng, thưa bà?

Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 12/2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước đạt 633,22 tỷ USD, tăng gần 23% (117,89 tỷ USD), thì riêng khu vực FDI đạt 440,15 tỷ USD, tăng 25,4% (89,23 tỷ USD), trong đó, xuất khẩu 232,2 tỷ USD, tăng 40,68 tỷ USD và chiếm trên 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Như vậy, trong khó khăn, doanh nghiệp FDI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan hơn doanh nghiệp nội địa, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm dần khó khăn, hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân thích ứng dần với dịch bệnh, thì không có lý do gì mà dòng vốn FDI không tiếp tục đổ vào Việt Nam khi những lợi thế của Việt Nam, như tôi đã nói ở trên, vẫn còn nguyên giá trị.

Nhưng các nước trong khu vực không chịu “ngồi nhìn” dòng vốn FDI vào Việt Nam?

Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay sau khi cơ bản người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và chuẩn bị tiêm mũi vắc-xin tăng cường là mở cửa có kiểm soát đối với quốc tế. Đây là giải pháp cơ bản để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tạo động lực thu hút FDI.

Bối cảnh mới, hoàn cảnh mới dẫn đến khó khăn mới, vì vậy phải luôn tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài; tạo điều kiện tối đa cho chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư; nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút FDI có chất lượng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục