Chính thức được ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế.
Sau 6 năm thực thi VKFTA, thương mại và đầu tư giữa 2 nước đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ.
Thông tin tại Kỳ họp lần thứ 11 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 5 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định VKFTA tại Seoul, Hàn Quốc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Sung Wook đồng chủ trì, tổng kim ngạch thương mại song phương, dự kiến tăng 2,1 lần từ mức 36,5 tỷ USD năm 2015 lên mức 77 tỷ USD năm 2021.
Bất chấp những tác động của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong 11 tháng 2021 vẫn đạt 70,4 tỷ USD, tăng hơn 18,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính kim ngạch thương mại cả năm 2021 sẽ đạt 77 tỷ USD, tăng 11 tỷ USD so với năm 2020. Điều này cho thấy, thương mại song phương đã phục hồi mạnh mẽ và còn nhiều triển vọng tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang tận dụng tốt các điều khoản từ Hiệp định, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương về thương mại và đầu tư.
Nổi bật nhất là thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc đã tăng mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021 (tính đến tháng 11/2021). Tính riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 11, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ đứng thứ hai tại nước ta với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,949 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm và đứng thứ 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore.
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của 1 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc trong đó có Samsung Việt Nam. Điều này cho thấy tác động cũng như đóng góp quan trọng của FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,… tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu.
Gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua còn giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ đa phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp, sang cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn, như: nhóm hàng điện tử, nông, lâm, thủy sản chế biến sâu, cơ khí chế tạo và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.
Mặc dù, hiện nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI vào Việt Nam và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
Nhiều dự án FDI của nước này đã tăng vốn đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh và trở lại “bình thường mới”, điển hình là dự án LG Display điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỷ USD...