Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao

0:00 / 0:00
0:00
Trong các ngày từ 28 - 30/3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc.

Tham dự cùng đoàn có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; đồng chí Lê Đình Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; lãnh đạo một số địa phương: Đồng chí Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Phụ trách HĐND TP Đà Nẵng; đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng: đồng chí Mai Ngọc Thuận, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng chí Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam...

Nội dung chuyến đi nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chủ động xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn phù hợp cho dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai dự án. Chính phủ cũng giao các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng ban chỉ đạo. Trong khi đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh bổ sung nội dung chính sách “Thí điểm thành lập Khu thương mại Tự do thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng”.

* Sáng 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với đồng chí Trịnh San Khiết, Chủ nhiệm Uỷ ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) và đồng chí Vụ Hạo, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC).

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng cho biết Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 10 năm phát triển Thời đại mới và những thành quả quan trọng đã đạt được trong việc triển khai mục tiêu, nhiệm Đại hội 20 - Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Ông tin tưởng rằng Trung Quốc ngày càng phát triển, ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà và tươi đẹp.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 12/2023 vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, đây là định hướng hướng chiến lược để thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc Trịnh San Khiết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc Trịnh San Khiết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh buổi làm việc với đồng chí Trịnh San Khiết, Chủ nhiệm Uỷ ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội tốt để Việt Nam trao đổi, thảo luận đề ra những biện pháp để triển khai có hiệu quả nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước được nêu trong Tuyên bố chung.

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng đã trao đổi với đồng chí Trịnh San Khiết một số nội dung, phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban Cải cách và phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm về xây dựng định hướng, chiến lược phát triển đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đặt câu hỏi và thảo luận với đồng chí Trịnh Sản Khiết và đồng chí Vụ Hạo về kinh nghiệm trong việc định hướng, trọng tâm phát triển đất nước của Trung Quốc, trong đó có một số nội dung như: Các định hướng về “hiện đại hoá kiểu Trung Quốc”, “chia sẻ thịnh vượng chung”, “Chiến lược tuần hoàn kép” của Trung Quốc (gồm vòng tuần hoàn bên ngoài là kết nối kinh tế Trung Quốc với thế giới, vòng tuần hoàn bên trong là thúc đẩy sản xuất và nhu cầu trong nước); kinh nghiệm thành lập mô hình “khu vực công nghiệp hóa kiểu mới quốc gia”; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ “công nghệ cao mới” SRDI (chuyên biệt, cải tiến, khác biệt, đổi mới); chú trọng phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, xanh hóa và phát triển các ngành kinh tế mới nổi…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo NDRC đã cùng thảo luận và chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý, phát triển doanh nghiệp nhà nước trong một số khía như: Mô hình quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, quản lý nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động; các biện pháp khuyến khích, đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực cụ thể như năng lượng, hạ tầng, công nghệ, tài chính - ngân hàng...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo NDRC đã thảo luận nhằm triển khai hiệu quả “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, đạt được những kết quả cụ thể, nhất là những nội dung về “Hợp tác thực chất sâu sắc hơn” đã được Lãnh đạo hai nước thống nhất.

Trong khuôn khổ Kế hoạch cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cùng với Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc phối hợp nghiên cứu, xây dựng Báo cáo chung về mở rộng phạm vi hợp tác Hai hành lang, Một vành đai tới thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc (hiện nay phạm vi hợp tác chỉ đến Côn Minh và Nam Ninh); trong đó, cần đánh giá kết quả hợp tác Hai hành lang, Một vành đai giai đoạn 2016-2023; đánh giá bối cảnh hợp tác với cơ hội và thách thức mới; đánh giá sự cần thiết, tính khả thi của việc mở rộng phạm vi kết nối Hai hành lang, Một vành đai kéo dài đến Trùng Khánh; xác định các lĩnh vực kết nối trọng tâm và kiến nghị các giải pháp, định hướng chính sách kết nối giữa hai nước; xác định các dự án, hoạt động ưu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong chiến lược phát triển đất nước. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc (tổng số đường bộ cao tốc của Việt Nam đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 1.900 km. Chỉ trong 3 năm, Việt Nam đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng hơn 3.000 km đường cao tốc và 5.000 km vào năm 2030), đường sắt đô thị và đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới, do đó, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm về hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, nhất là về phương diện công nghệ, kỹ thuật, huy động nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý.

Bộ trưởng nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thống nhất hai bên cần đẩy nhanh kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp. Hiện nay Trung Quốc đã cung cấp viện trợ không hoàn lại và giúp Việt Nam lập quy hoạch Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ Giao vận tải Việt Nam đang xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án này.

Bộ trưởng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, nghiên cứu hợp tác những dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc.

Về hợp tác giữa hai cơ quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị 2 bên giao các đơn vị chức năng của hai cơ quan, nhất là các viện nghiên cứu, các chuyên gia học giả tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, tham vấn hợp tác, thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan ngày càng mật thiết hơn.

* Sáng 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có cuộc trao đổi, làm việc với đồng chí Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ vui mừng khi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng. Các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao đã chiếm ưu thế. Tính đến tháng 3/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỉ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 đầu tư tại Việt Nam (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong) với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD (tăng gần 80% so với cùng kỳ).

Về thương mại, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 171,84 tỷ USD năm 2023). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Hiện nay, hai Bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng; Đồng Đăng – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Về xây dựng khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình kinh tế mới: Khu thương mại tự do, Khu kinh tế mở, Khu phi thuế quan; tham khảo những chính sách đã ban hành...

Về đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam.

Đoàn công tác làm việc với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

Đoàn công tác làm việc với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bày tỏ vui mừng gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Bắc Kinh. Ông bày tỏ mong muốn các hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cả trong các lĩnh vực mới và truyền thống. Phạm vi hợp tác không chỉ đầu tư, mà còn chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên, khai thác thị trường khác.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết hiện nay, một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ... Đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh chóng, nhất là điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đã cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới ở Việt Nam như năng lượng mặt trời.

Ông cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại. Trong tương lai, hai bên tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như phát triển xanh, năng lượng mới. Hai bên cũng có thể tăng cường đầu tư và kết nối phát triển xanh, kinh tế số, có thể làm hai bên hợp tác tốt hơn trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Hai bộ trưởng cũng trao đổi nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là kinh nghiệm hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng.

* Chiều 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với Cục trưởng Cục đường sắt Trung Quốc Phí Đông Bân và Phó Cục trưởng Lộc An Sinh.

Hai bên cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, cách thức nghiên cứu khả thi dự án đường sắt, huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực...

Trung Quốc sở hữu chiều dài đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, trong đó các trục chính gồm 4 tuyến dọc, 4 tuyến ngang, tốc độ khoảng 250 - 350 km/h. Mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đã lên tới gần 50.000 km đi qua 93% số thành phố trên 500.000 dân.

* Sáng 29/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đã trực tiếp tham quan và trải nghiệm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải được xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2011, dài hơn 1.300 km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ USD, tốc độ chạy tàu khoảng 350 km/h. Dự án đi qua 7 tỉnh phía Đông Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa 2 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải. Thời gian di chuyển giữa 2 thành phố trong khoảng 4 tiếng 20 phút, hàng năm phục vụ hơn 600 triệu lượt hành khách. Trung Quốc cũng đang trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao thứ hai nối Bắc Kinh và Thượng Hải vì tuyến hiện tại đã ngày càng quá tải.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải dài hơn 1.300 km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ USD, tốc độ chạy tàu khoảng 350 km/h.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải dài hơn 1.300 km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ USD, tốc độ chạy tàu khoảng 350 km/h.

* Sáng 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Tập đoàn Toa xe Trung Quốc (CRRC).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo CRRC đã cùng nhau trao đổi một số kinh nghiệm trong việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp đường sắt, sản xuất máy móc, toa xe, cơ chế hợp tác, phát triển nguồn nhân lực.

Hai bên đã trao đổi nhiều kinh nghiệm về công nghệ tàu khách tốc độ cao, công nghệ thông tin tín hiệu, thiết kế đoàn tàu khách mà Trung Quốc đang sử dụng, giá thành các đoàn tàu khách, hệ thống tín hiệu...

CRRC đang có hơn 40.000 nhân viên và gần 400 công ty con, các sản phẩm chính gồm tàu cao tốc, tàu chở khách. Số lượng kỹ sư đang làm việc tại đây là 36.000 kỹ sư, với 22 trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia, 18 trung tâm nghiên cứu kỹ thuật. Hiện tại, chuỗi ngành cung ứng xung quanh thiết bị giao thông vận tải đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc đang có khoảng 6.000 doanh nghiệp tham gia. Năng lực cốt lõi của CRRC là sản xuất các thiết bị đường sắt. Tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải là do Công ty Trường Xuân (công ty con của CRRC) sản xuất giá chuyển hướng, còn các thiết bị khác do các công ty con khác. CRRC cho biết hệ thống sản xuất đã hoàn thiện và có thể tự chủ toàn bộ trong việc sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt tốc độ cao.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục