Kỳ vọng này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam diễn ra vào chiều nay.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 21 năm thành lập, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – đơn vị duy nhất đang kinh doanh – khai thác hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia có vinh dự đón một người đứng đầu Chính phủ tới dự và chỉ đạo kế hoạch sản xuất kinh doanh.
“Tôi biết Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang có rất nhiều thay đổi tích cực sau một thời gian dài gặp khó khăn. Chính vì vậy, tôi đã chủ động trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty để có thể trực tiếp nắm bắt tình hình thông qua dự hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 cũng như lắng nghe phản ánh của hành khách đi tàu và các bạn hàng lớn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng cho biết là luôn trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông. Ngành đường sắt đã trải qua hơn 140 năm hình thành, có lực lượng lao động đông đảo, khai thác một tài sản hạ tầng, đất đai rất lớn nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được với nhiều tiến bộ trong năm 2023 của Tổng công ty, đặc biệt là sau nhiều năm thua lỗ đã bắt đầu có lợi nhuận trở lại. Quan trọng hơn là đã có một sự chuyển động lớn trong tư duy của ngành đường sắt, tiệm cận gần hơn với cơ chế thị trường.
“Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…”, người đứng đầu Chính phủ nhận xét.
Trước đó, Thủ tướng đã trực tiếp tới ga Hà Nội để gặp hành khách đi tàu, nhân viên nhà ga và rất phấn khởi khi chứng kiến những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn…
“Tuy không nói chuyện được nhiều nhưng tất cả hành khách đều cho biết là giờ đi tàu rất sướng và tiện lợi. Ngồi tại nhà cũng có thể mua được vé tàu online, thanh toán nhanh gọn. Đây là những thành công bước đầu rất đáng ghi nhận của Tổng công ty”, Thủ tướng tường thuật lại.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý vẫn còn nhiều tồn tại như năng suất lao động của Tổng công ty thấp, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, hiện trạng đầu máy toa xe chưa có khả năng đáp ứng, nếu nâng được tốc độ chạy tàu lên 100 km/h sẽ hiệu quả hơn…
So sánh với Tập đoàn Dầu khí, theo Thủ tướng, cách đây mấy năm người xin nghỉ việc rất nhiều, nhưng đến nay không khí khác hẳn, doanh thu, lợi nhuận đều tốt. Hiện, Tổng công ty Đường sắt cũng đã “tìm thấy lối ra", đây mới là điểm quan trọng.
Thủ tướng mong muốn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không chỉ phát triển một cách “bình bình” mà cần có bước đột phá, nhanh chóng nâng tầm bản thân để có thể tham gia gánh vác trách nhiệm đầu tư hiện đại hoá hạ tầng đường sắt, trong đó có Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Thủ tướng cho biết, tại Kết luận 49, Bộ Chính trị đã yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trước năm 2045.
Để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.
Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2023, tổng doanh thu của Tổng công ty là 8.503,8 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch năm); lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng.
“Đây cũng là năm Tổng công ty đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh có lãi, sau 3 năm liên tiếp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ nặng nề bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, đại diện Tổng công ty thông tin.
Đối với Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, đại diện Tổng công ty cũng cho biết thời gian qua đơn vị đã tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng Đề án.
Đặc biệt, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác để nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với các Bộ, cơ quan chuyên môn.
“Chúng tôi cũng tích cực trao đổi, hội thảo với đường sắt các nước Trung Quốc, Algierie, Khazakstan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành đường sắt quốc tế để tham khảo kinh nghiệm, học hỏi mô hình tổ chức, đầu tư, vận hành và khai thác đường sắt tốc độ cao”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ.