Việt Nam tăng sử dụng "công cụ" bảo vệ ngành sản xuất trong nước

0:00 / 0:00
0:00

Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, các ngành sản xuất trong nước đã từng bước ổn định, một số doanh nghiệp đã cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ.

Nhờ công cụ PVTM, một số ngành sản xuất trong nước đã cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ. Nhờ công cụ PVTM, một số ngành sản xuất trong nước đã cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những nước bị áp dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan nhờ quy mô xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng nhanh và tham gia hội nhập sâu rộng với nhiều nền kinh tế lớn.

Đến nay, đã có gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước nhập khẩu tiến hành với hàng hóa của Việt Nam, nhưng ở chiều ngược lại, với quy mô nhập khẩu trên 250 tỷ USD hàng hóa trong năm 2019, nhiều ngành sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh không cân sức với hàng nhập khẩu giá rẻ do được trợ giá hoặc bán phá giá. Đến nay, Việt Nam mới sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với 20 vụ việc, chiếm 10% trong tổng số hàng Việt bị phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã ra đời hơn khoảng 15 năm nhưng tới gần đây mới thực sự phát huy tác dụng.

Thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại quan trọng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

Cụ thể, cho đến hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ áp dụng được 2 biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dầu ăn và thép không gỉ cán nguội (inox). Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra và áp dụng 15 biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là đối với các sản phẩm gồm phân bón DAP/MAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu, nhôm thanh định hình, màng BOPP.

Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, nhờ việc gia tăng áp dụng phòng vệ thương mại đã bảo vệ được ngành sản xuất trong nước (đóng góp trên 6% tổng GDP năm 2019), giúp ngành sản xuất và doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng.

Đơn cử, năm 2018, doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam có 20 DN thì có tới 18 DN lỗ do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ. Nhưng khi điều tra áp thuế CBPG thì chỉ sau 1 năm, đến 2019, đa số DN đã cải thiện được hiệu quả sản xuất kinh doanh, chỉ còn vài ba DN lỗ lũy kế.

Một điều tích cực nữa là khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu cũng đồng thời có tác động tích cực khiến các thị trường nhập khẩu hàng hóa tương tự đó hạn chế kiện phòng vệ với hàng xuất đi từ Việt Nam.

Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất nội địa. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó.

Bằng chứng là trước năm 2009, khi Việt Nam không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. Đây là minh chứng cho thấy, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Bà Giang khẳng định, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp phòng vệ thương mại cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp phòng vệ thương mại hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng,...), cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

"Các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời được áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh", Bộ Công Thương khẳng định.

Vụ việc mới nhất để bảo vệ sản xuất trong nước là Bộ Công thương ban hành quyết định khởi xướng điều tra "kép", áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Theo đại diện ngành sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước. Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019-2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018-2019, trong khi chỉ trogn 8 tháng 2020, đã có 860.000 tấn đường mía Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục