“Việt Nam sẽ tạo được một nền tảng thị trường và xã hội để ươm tạo các kỳ lân công nghệ“

(ĐTCK) Thông tin này được bà Tô Thị Thu Hương - Phó vụ trưởng vụ Công nghệ Thông tin, bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại Hội nghị Tech Summit 2019 tổ chức tại TP. HCM ngày 14/3. 
“Việt Nam sẽ tạo được một nền tảng thị trường và xã hội để ươm tạo các kỳ lân công nghệ“

Theo bà Hương, cách đây 10 năm, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin mới đạt 6 tỉ USD thì đến cuối 2018 đã đạt xấp xỉ 100 tỉ USD, gấp 17 lần về doanh thu và giá trị xuất khẩu tăng 16 lần, xuất siêu 26 tỷ USD. 

"Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghệ cũng tạo ra sức lan tỏa lớn cho các lĩnh vực khác. Việt Nam luôn nằm trong top 10 các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trong khu vực và trên thế giới theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam đứng đầu về dịch vụ gia công quy trình kinh doanh (BPO) theo Cushman & Wakefield; xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại và thiết bị văn phòng theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...", Hương cho biết.

Việt Nam với dân số trẻ, bắt nhịp nhanh với các xu hướng công nghệ mới, là nước có nhiều thuận lợi cho startup phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định đưa công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trở thành trọng tâm cho đột phá đổi mới, sáng tạo, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Việt Nam hiện có gần 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, mục tiêu của bộ Thông tin Truyền thông là sẽ hình thành được đội ngũ đông đảo với hơn 100.000 doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch công ty TNHH Truyền thông Tương Tác, thế giới thay đổi rất nhanh. Nếu như vài năm trước mọi người đều còn khá xa lạ với các ứng dụng gọi xe thì ngày nay các bạn đến đây có thể sử dụng dịch vụ gọi xe qua ứng dụng như Grab, GoViet, Be.

Thương mại điện tử cũng đang làm thay đổi cách thức mua bán; các dịch vụ giao đồ ăn cũng làm thay đổi cách ta ăn uống và tạo ra sự đột phá trong ngành nhà hàng khách sạn. Và thị trường ở phân khúc này còn rất nhiều tiềm năng với khả năng tăng trưởng rất cao.

"Dù làm trong lĩnh vực nào, ít ứng dụng hay không phụ thuộc công nghệ chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi công nghệ. Sự thay đổi của công nghệ sẽ làm biến đổi sự phát triển của nền kinh tế" ông Hoàng nói.

 Việt Nam hiện có gần 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, mục tiêu của bộ Thông tin Truyền thông là sẽ hình thành được đội ngũ đông đảo với hơn 100.000 doanh nghiệp.  

Trong khi đó, theo ông Lee Jae-woong - đồng sáng lập, Giám đốc điều hành SoCar, với một thị trường gần 100 triệu người dùng và đông đảo giới trẻ, Việt Nam sẽ tạo được một nền tảng thị trường và xã hội để ươm tạo các kỳ lân công nghệ - Kỳ lân là các startup phát triển rất nhanh và có định giá hơn 1 tỷ USD.

“Việt Nam có rất nhiều người trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone và internet cao. Tại Việt Nam, tất cả những điều kiện có lợi đang xảy ra cùng lúc, nếu sử dụng hiệu quả và thành công tất cả những lợi thế này”, ông Lee nói.

Tại Hội nghị Tech Summit 2019, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, sự nổi lên của các startup công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư và xu hướng kinh doanh của các lớp lãnh đạo và doanh nhân trong tương lai. Họ là hình mẫu trong việc thay đổi và cải tiến xã hội.

Mặt khác, sự xuất hiện của họ còn giúp những startup khác thấy sự hứng thú của nhà đầu tư và ủng hộ các nhà khởi nghiệp khác xây dựng startup có lợi cho xã hội.

Nhìn nhận sự phát triển rất khả quan của ngành công nghiệp công nghệ thông tin nhưng ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng tỏ ra lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng đang đặt ra thách thức cho các công ty công nghệ trên thế giới và ở Việt Nam.

“Việt Nam là thị trường tiềm năng rất lớn của Facebook, trong khi ở Hoa Kỳ người sử dụng Facebook đang giảm đi vì e ngại chính sách bảo mật những thông tin riêng tư. Các startup phát triển từ nền tảng công nghệ thông tin cũng cần đưa ra giải pháp đảm bảo quyền riêng tư người dùng” ông Hoàng nhận định.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục