Việt Nam sẽ phải trả nợ trên 20.000 tỷ đồng mỗi tháng trong giai đoạn 2019 - 2021

Các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều số liệu tính toán khác nhau về số tiền trả nợ trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng đều là những con số lớn, lên tới hơn 20.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm tại phiên thảo luận sáng 30/5 Đại biểu Hoàng Quang Hàm tại phiên thảo luận sáng 30/5

Đánh giá “Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ và chỉ ra những tồn tại như: Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững.

Khu vực công nghiệp, thì tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Hàm, “đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra cần một lời giải căn cơ toàn diện”.

Đề cập đến chất lượng lao động, đại biểu cho rằng, năng suất lao động tăng qua các năm, nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Đến cuối năm 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên.

Điều này cho thấy, chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.

Về ngân sách nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, vị đại biểu này cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần.

Cho rằng Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm, song đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng lưu ý, vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm thu ngân sách bền vững.

Ông Hàm cho biết, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Theo đó, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi tháng. Vị đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị ưu tiên, dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng và chú tâm đến việc tổ chức thực hiện.

Có chung nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, song Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cũng chỉ rõ, dù thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, không phải thu từ sản xuất kinh doanh, bởi vậy, đây là những con số không bền vững.

Ông Thế cũng lưu ý, năm 2020 sẽ đến hạn trả nợ và theo tính toán, mỗi tháng phải tiết kiệm 21.000 - 27.000 tỷ đồng để trả nợ. “Với tình hình này, chúng ta có thể phải vay để trả nợ”, ông Thế nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục