Đưa 120 tỷ USD vào nền kinh tế chính thức
Phát biểu tại một sự kiện công nghệ diễn ra tuần này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc thiếu khung pháp lý cho tài sản số khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải sang Singapore, Mỹ đăng ký thành lập doanh nghiệp, rồi về Việt Nam hoạt động, gây thất thu thuế.
Chẳng hạn, Tập đoàn Sky Mavis - một tập đoàn “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, là doanh nghiệp thuần Việt Nam, nhưng do chúng ta chưa có khung khổ pháp lý về tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số, nên đã chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở.
Với nhà đầu tư, việc không có hành lang pháp lý khiến giao dịch gặp rủi ro, không được pháp luật bảo vệ.
"Hoạt động thiếu định hướng khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực tài sản số tại Việt Nam khó cạnh tranh với các công ty Thái Lan, Singapore", Chủ tịch SSI nói.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (khoảng 20 triệu người). Số liệu của Chainalysis cho biết, dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD.
Không chỉ thất thu thuế, theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu hành lang pháp lý khiến "Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền ảo".
Đáng mừng là, trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã lần đầu tiên, mạnh dạn đề cập tài sản số. Theo đó, Dự thảo luật quy định, tài sản số là sản phẩm công nghệ được tạo ra, phát hành, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Các tài sản này gồm token chứng khoán, tài sản mã hóa dạng chứng khoán, token thanh toán... Chúng có giá và quyền tài sản theo quy định pháp luật.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về các tài sản số. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tài sản số là vấn đề mới, công nghệ số phát triển rất nhanh, rất linh hoạt, nên luật sẽ thiết kế các quy định về tài sản số theo nguyên tắc khung, Chính phủ sẽ quy định chi tiết trong từng thời kỳ để đảm bảo tính phù hợp và linh hoạt.
Có thể lập sàn giao dịch tài sản số
Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp công nghệ không chỉ cần vốn, mà còn cần một môi trường pháp lý ổn định. Việt Nam cần một khung pháp lý để những người sáng tạo, những người đầu tư và toàn bộ hệ sinh thái công nghệ yên tâm phát triển. Chỉ khi đó, Việt Nam mới thực sự trở thành một trung tâm công nghệ mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu.
- Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI
Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, luật hóa tài sản số không chỉ giúp chống thất thu thuế, mà còn giúp bảo vệ quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, là cơ sở để xử lý tranh chấp. Đưa tài sản số vào luật cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ blockchain…
Luật hóa tài sản số tạo cơ sở pháp lý để tạo ra các sân chơi cho tài sản số, trong đó có việc lập các sàn giao dịch. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thí điểm cho phép thành lập sàn giao dịch tài sản số (có thể trước mắt lập ở quy mô nhỏ).
Theo các chuyên gia, việc lập sàn giao dịch sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý và thu thuế dễ dàng hơn. Đồng thời, đưa các giao dịch tài sản số lên sàn cũng là cách để sàng lọc các tài sản số xấu độc, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc luật hóa tài sản số cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như kéo các doanh nghiệp Việt đang phải sang nước khác để đăng ký kinh doanh trở về Việt Nam. Tất nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp để thu hút, sàng lọc dòng vốn tốt trong lĩnh vực này, ngăn chặn các sàn giao dịch lừa đảo.
Để bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh luật hóa tài sản số, cũng cần thêm các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số.
Thực tế, pháp luật nhiều quốc gia, như EU đã đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số, như phải đăng ký hoạt động, phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm phát hành, các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số phải được cấp phép hoạt động và duy trì bảo mật thông tin, minh bạch trong giao dịch…