Thế giới đang chứng kiến sự chuyển mình của các doanh nghiệp trong việc số hóa hoạt động kinh doanh. Tại quốc gia phát triển như Singapore có tới hơn 60% tổng số giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Tại thị trường Việt Nam, những con số đầy tiềm năng cũng được đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp số 2017: Kỷ nguyên số và Quốc gia khởi nghiệp tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Tiêu dùng số phát triển cho phép các doanh nghiệp số ngày càng có cơ hội khởi nghiệp và bùng nổ
Cụ thể, theo báo cáo của Vibiz 2017, tính tới năm 2017, Việt Nam đã có gần 210 website có nội dung liên quan đến thương mại điện tử được thành lập.
Báo cáo này cũng dẫn chứng, nếu như năm 2014, 70% doanh thu của Tiki.vn đến từ sách thì hiện nay doanh thu từ sách chỉ chiếm 30%, số còn lại đến từ các ngành hàng khác. Lượng đơn hàng của trang thương mại điện tử này dao động từ 15.000-20.000 đơn/ngày, tăng trung bình 12% mỗi tháng.
Trong khi đó, Shopee, sau 2 năm thành lập đã có hơn 2 triệu lượt tải ứng dụng với 10.000 đơn/ngày với tốc độ tăng trưởng người sử dụng và đơn hàng khoảng 20%/tháng.
Dự báo, doanh thu thương mại điện tử, bán lẻ năm 2017 đạt khoảng 2,08 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm.
Báo cáo này cũng cho biết, doanh thu toàn thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2017 vào khoảng 76 triệu USD, trong đó 36% doanh thu toàn thị trường quảng cáo trực tuyến được tạo ra thông qua điện thoại di động. Tỷ lệ người Việt ít hoài nghi về quảng cáo trên internet đạt tới 82%.
Những số liệu trên cho thấy, tiêu dùng số đang thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình số. Đây cũng là cơ hội lớn cho các startup nếu biết cách tranh thủ nắm bắt được nhu cầu thị trường để phát triển.
Liên quan tới vấn đề này, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Công ty Nghiên cứu người tiêu dùng Neilse Việt Nam dẫn chứng con số, trên thế giới trong số 10 tỷ phú trẻ gần đây nhất thì có tới 4 tỷ phú là giới trẻ và đi từ công nghệ thông tin.
Do đó, theo bà Hà, cơ hội cho các doanh nghiệp chính là nắm bắt được nhu cầu của thị trường để từ đó triển khai những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Hà cho rằng, Việt Nam đang có tỷ lệ sử dụng smart phone ở mức rất cao trên 80% ở thành phố lớn và trên 60% ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở ban đầu, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp có tận dụng được điều này hay không, có đưa ra được giải pháp để khuyến khích người dân tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp không.
Theo chuyên gia cao cấp, Nguyễn Hữu Thái Hòa, trong kỷ nguyên số sự thay đổi không chỉ là công nghệ mà sự thay đổi còn đến từ con người. Do đó, đội ngũ startup được ông Hòa kỳ vọng là cầu nối thúc đẩy nhanh nhất số hóa tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, các startup cũng phải xác định, nếu trong vòng 12 tháng cùng lắm là 18 tháng mà không đưa ra được sản phẩm thì startup đó coi như hỏng. Điều này xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt từ cuộc cách mạng công nghề đem lại”, ông Hòa nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Amway phối hợp cùng trường đại học hàng đầu Đức - Technische Universitat Munchen (TUM) và Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) thì Việt Nam là quốc gia đứng đầu về chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ 2 về thái độ tích cực đối với khởi nghiệp trong số 45 nước tham gia khảo sát.
Các startup cũng phải xác định, nếu trong vòng 12 tháng cùng lắm là 18 tháng mà không đưa ra được sản phẩm thì startup đó coi như hỏng.
- Chuyên gia cao cấpNguyễn Hữu Thái Hòa
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trên thế giới chỉ có một vài quốc gia được gọi là quốc gia khởi nghiệp như Isarel, Hàn Quốc, Ai Len, Singapore vì những người khởi nghiệp ở những quốc gia này lập nghiệp trên cơ sở của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu.
“Việt Nam cũng cần định rõ khởi nghiệp phải dựa vào đổi mới sáng tạo, chúng ta cần phải phân biệt với lập nghiệp thông thường. Vì thế trong 1 triệu doanh nghiệp chúng ta đang kỳ vọng vào năm 2020, chúng tôi đang kỳ vọng chỉ cần 5-10% là doanh nghiệp xây dựng trên nền tảng đối mới sáng tạo chúng ta đã có thể được coi là một quốc gia khởi nghiệp”, ông Quân nói.
“Cách đây 8 năm, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ thí điểm và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư mạo hiểm, nếu không có nó thì chúng ta không bao giờ trở thành quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại đề xuất này vẫn chưa được thực hiện”, ông Quân nhấn mạnh thêm.
Nhìn ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Ngọc Nam, Viện trưởng Viện Ngiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Việt Nam đã có hàng nghỉn doanh nghiệp số nhưng vẫn còn rất rời rạc, vẫn còn tình trạng đèn nhà ai nhà ấy rạng , đấy là tư duy của thời kỳ lạc hậu. Tình trạng này theo ông Nam có thể sẽ khiến Việt Nam mãi mãi theo sau với các quốc gia phát triển.