Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ, nếu doanh nghiệp Việt không ý thức được sự nguy hiểm của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì việc bị vướng vào vòng lao lý là “chuyện đương nhiên”.
Đây là khuyến cáo vừa được vị Phó Cục trưởng đưa ra tại Tọa đàm “Sở hữu trí tuệ trong TPP” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (23/3).
Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO, quy định tại Hiệp định TRIPS.
Ông Lâm cho biết, về cơ bản quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không khác xa so với TRIPS (Phụ lục 1C của Thỏa thuận Thiết lập Tổ chức WTO về sở hữu trí tuệ). Tất cả những đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TRIPS đều được giữ nguyên và không thay đổi, chỉ có 1 số đối tượng được mở rộng hơn.
Cụ thể , hiện nay, nhãn hiệu Việt Nam đang bảo hộ là nhãn hiệu nhìn thấy được thì khi tham gia TPP sẽ phải bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực để bảo hộ mùi. Đối với kiểu dáng công nghiệp, tiến tới bảo hộ kiểu dáng riêng phần thay vì chỉ bảo hộ kiểu dáng tổng thể…
“Đối với nhãn hiệu, quyền tác giả, chúng ta phải tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số cũng như môi trường bình thường. TPP cũng khuyến cáo các nước cố gắng xây dựng một hệ thống dân sự để xử lý các vụ việc thay vì sử dụng các biện pháp hành chính” ông Lâm nói thêm.
Nếu doanh nghiệp Việt không ý thức được sự nguy hiểm của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì việc bị vướng vào vòng lao lý là "chuyện đương nhiên".
Cũng theo ông Lâm, TPP không bắt các nước phải từ bỏ biện pháp hành chính nhưng yêu cầu đưa những thủ tục có ở trong biện pháp dân sự vào để xử lý.
Theo đó, nếu sử dụng biện pháp hành chính thì chủ sở hữu có quyền sử dụng các biện pháp như là biện pháp dân sự, ví dụ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tịch biên, tịch thu, niêm phong công cụ sản xuất hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đánh giá về thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, trong thời đại của nền kinh tế trí thức, Việt Nam không thể khuyến khích sáng tạo tại đất nước mình nếu không quản lý chặt chẽ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.