Vừa qua dư luận ồn ào về tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa giữa Ajinomoto và Công ty Hà Trung Hậu. Cả hai doanh nghiệp, thêm cơ quan quản lý thị trường, đều yêu cầu/trưng cầu giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Luật sư đánh giá thế nào về tranh chấp này?
Trong vụ việc này có 3 kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, một do Ajinomoto đề nghị, một do Công ty Hà Trung Hậu và một do cơ quan Quản lý thị trường. Tổng thể chung, có 5 đối tượng yêu cầu giám định gồm dấu hiệu “Ajino-Takara”; dấu hiệu “Ajino-Takara và hình”; dấu hiệu “hình chiếc bát”; dấu hiệu “hình chiếc bát và 3 chữ tượng hình”; và dấu hiệu “3 chữ tượng hình”. Trong đó, tôi thấy chỉ có dấu hiệu cuối cùng là 3 chữ tượng hình được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu là ba ký tự chữ Nhật đã được đăng ký bảo hộ của Ajinomoto.
Trên cơ sở những gì được biết đến thời điểm hiện nay và trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ngoài dấu hiệu “3 chữ tượng hình” thì các dấu hiệu: “Ajino-Takara”; “Ajino-Takara và hình”; và “hình chiếc bát và 3 chữ tượng hình” đều tương tự tới mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được Ajinomoto đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Trong số đó, theo ý kiến chủ quan của tôi thì dấu hiệu “Ajino-Takara và hình” và “Ajino-Takara” thậm chí có tính tương tự có khả năng gây nhầm lẫn hơn dấu hiệu còn lại.
Trên thực tế, dấu hiệu chữ có nguồn gốc La-tinh thường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khả năng phân biệt cho một nhãn hiệu, do người tiêu dùng có thể đọc được và dễ ghi nhớ. Người tiêu dùng thông thường sẽ phân biệt sản phẩm của Ajinomoto bằng cách gọi tên sản phẩm này là Ajinomoto. Người tiêu dùng cũng có thể phân biệt bằng cách ghi nhớ các đặc điểm mang tính phân biệt khác như yếu tố hình, màu sắc.
Việc Công ty Hà Trung Hậu hay bất kỳ một công ty nào khác sử dụng một nhãn hiệu bắt đầu bằng các chữ cái “AJINO” cho sản phẩm mì chính hay tương tự sẽ có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng Việt Nam về nguồn gốc của sản phẩm. Một trong những lý do là hiện nay, theo tôi được biết, ngoài Ajinomoto, không có ai đã được đăng ký, sử dụng nhãn hiệu bắt đầu bằng các chữ cái “AJINO” cho sản phẩm mì chính.
Có ý kiến cho rằng, nếu như luật pháp hiện nay quy định ngôn ngữ không có nguồn gốc La-tinh như các ký tự trong tiếng Nhật không có khả năng phân biệt thì tại sao Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ lại kết luận rằng ba chữ tượng hình lại tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu là ba ký tự tiếng Nhật của Ajinomoto?
Ngoài những lập luận và căn cứ mà Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã đưa trong kết luận giám định thì theo ý kiến của tôi, các ký tự tiếng Nhật đã được Ajinomoto sử dụng từ rất lâu, làm tăng thêm khả năng phân biệt của nhãn hiệu này và theo đó làm gia tăng khả năng gây nhầm lẫn của các chữ tượng hình mà Công ty Hà Trung Hậu sử dụng.
Luật sư Lê Quang Minh
Đúng là Công ty Hà Trung Hậu đã bày tỏ sự bức xúc khi xin đăng ký bảo hộ cho 3 chữ Nhật trên nhãn hiệu của họ nhưng không được, trong khi cũng chữ Nhật phía Ajinomoto lại được bảo hộ theo Văn bằng 169. Chính vì thế Công ty Hà Trung Hậu đã nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt/hủy bỏ Văn bằng 169. Thưa luật sư, căn cứ để hủy bỏ một văn bằng là gì?
Theo những thông tin tôi có, đơn của Công ty Hà Trung Hậu có cả hai thuật ngữ hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực Văn bằng 169. Việc hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nghĩa là hủy bỏ hoàn toàn hiệu lực của văn bằng đó kể từ thời điểm được cấp, trường hợp này là từ năm 1985. Nếu là chấm dứt, tức là sự bảo hộ hết hiệu lực kể từ thời điểm có quyết định chấm dứt. Cả hai trường hợp này đều cơ sở pháp lý riêng.
Về cơ sở chấm dứt hiệu lực cần áp dụng quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể tại Điều 95. Tuy nhiên căn cứ theo các quy định tại điều này thì không thể chấm dứt hiệu lực Văn bằng số 169.
Về yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực văn bằng 169 thì Công ty Hà Trung Hậu phải thỏa mãn hai điều kiện: Thứ nhất phải nộp đơn trong thời hiệu mà pháp luật cho phép; và chứng minh được rằng nhãn hiệu của Ajinomoto đã không đáp ứng được các quy định của phát luật tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Khoản 3 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 5 năm từ ngày cấp trừ trường hợp văn bằng được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn. Văn bằng số 169 được cấp từ 1985, như vậy thời hiệu đã hết.
Về điều kiện thứ hai, văn bản pháp luật được áp dụng tại thời điểm 1985 là Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa được Ban hành kèm theo Nghị định số 197/HĐBT ngày 14/12/1982, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 84/HĐBT ngày 20/3/1990. Trong điều lệ này không có quy định rằng nhãn hiệu không phải là ký tự La tinh thì không được đăng ký. Như vậy, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ bác đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Văn vằng số 169 của Công ty Hà Trung Hậu vì không có cở sở để xem xét.
Một yếu tố khác cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp là mức xử phạt “kịch khung” đối với pháp nhân là 500 triệu đồng. Liệu mức xử phạt này có phù hợp?
Nghị đinh số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định cụ thể mức phạt trong các trường hợp. Tôi không có được nội dung của Biên bản vi phạm hành chính nên không thể nói chính xác được mức phạt 500 triệu có phù hợp hay không. Tuy nhiên, việc xác định mức tiền phạt là không khó đối với một người nếu hành vi xâm phạm đã được xác định rõ trong biên bản vi phạm hành chính.
Nếu Công ty Hà Trung Hậu đã được xác định là có hành vi xâm phạm và mức phạt 500 triệu là tương xứng theo quy định của pháp luật thì Cơ quan xử lý có quyền và cần tuân thủ theo quy định của pháp luật là phạt 500 triệu. Công ty Hà Trung Hậu thấy mức phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật thì có thể khiếu nại quyết định xử phạt này.
Thực tế, vi phạm về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam rất phổ biến. Khách quan là trong rất nhiều trường hợp, mức xử phạt còn chưa tương xứng với hành vi, quy mô xâm phạm, do đó doanh nghiệp xâm phạm cứ nộp phạt và rồi lại xâm phạm.
Xử phạt nghiêm khắc không chỉ giúp các chủ thể, người tiêu dùng mà còn chính là giúp người có hành vi xâm phạm tuân thủ pháp luật tốt hơn, về lâu dài kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh cho mọi doanh nghiệp.