Xung quanh vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật Basico).
Thưa luật sư, nói chung, khi nhận thấy nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm thì DN nên làm gì?
Trường hợp quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, pháp luật đã quy định những công cụ pháp lý để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể sử dụng để tự bảo vệ mình; cụ thể tại khoản 1, Điều 198 về “Quyền tự bảo vệ”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Điều 21 về “Thực hiện quyền tự bảo vệ”, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định.
Theo đó, có thể áp dụng ngay các quyền như chủ động tiến hành các biện pháp nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm hay yêu cầu chủ thể vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai hay bồi thường thiệt hại. Trường hợp cần thiết, chủ thể sở quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân, trọng tài.
Nếu DN có đơn thư yêu cầu phản ánh lên cơ quan quản lý thì thẩm quyền xử lý của cơ quan quản lý ra sao?
Tương tự như những quan hệ pháp luật khác, hành vi xâm phạm quan hệ pháp luật về sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự, đương nhiên sẽ cần phải căn cứ cả vào nội dung yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng như tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 200 về “Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: toà án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, uỷ ban nhân dân các cấp.
Việc quyết định áp dụng các biện pháp (chế tài) dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Các cơ quan còn lại có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính; trong đó, ở một số trường hợp có dấu hiệu hình sự, cơ quan Hải quan cũng có thể tham gia giai đoạn điều tra hình sự theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016).
Trường hợp khiếu nại về một quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì việc thụ lý, giải quyết của các cơ quan hành chính sẽ theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011.
Nếu khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án có thẩm quyền đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì sẽ cần căn cứ cả vào Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (hiệu lực tới 30/6/2016).
Trường hợp nào thì vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án và sự phân định thẩm quyền của tòa án và cơ quan quản lý ra sao?
Nếu là về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, như tôi đã nói trên, trường hợp hành vi xâm phạm bị xử lý hình sự thì thẩm quyền của tòa án được xác định theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Dưới góc độ dân sự, tòa án sẽ giải quyết vụ án dân sự khi có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Nếu nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì buộc phải có chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại của mình.
Thực tế, trong cùng một vụ việc có nội dung chính là quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ, nhưng cũng có thể đan xen nhiều quan hệ pháp luật khác; phụ thuộc vào nội dung yêu cầu tòa án giải quyết của nguyên đơn, cũng như tính đáp ứng điều kiện luật định mà diễn biến tố tụng có thể sẽ khác nhau.
Thưa ông, mức xử phạt đối với Công ty Hà Trung Hậu là 500 triệu đồng. Liệu mức xử phạt này có hợp lý?
Tôi không có thông tin chính thức về vụ việc này. Nhưng nếu mức xử phạt là 500 triệu đồng thì đây là mức xử phạt tiền cao nhất được quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp áp dụng đối với tổ chức (mức tối đa đối với cá nhân chỉ là 250 triệu đồng, tức bằng một nửa mức phạt tiền tối đa của tổ chức). Mức xử phạt này thường được áp dụng đối với những hành vi vi phạm có giá trị hàng hóa vi phạm trên 500 triệu đồng.