Ngày 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp theo thể thức Arria về chủ đề “Đóng góp tài chính khí hậu trong việc giữ vững hòa bình và an ninh,” dưới sự chủ trì của ông Sultan Al-Jaber, đặc phái viên về biến đổi khí hậu kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 3/2022.
Phiên họp có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Antigua và Barbua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại Anh, Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh cùng đại diện hơn 50 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Đại diện các nước và diễn giả đã thảo luận về các kết quả và thách thức trong quá trình triển khai các cam kết về tài chính khí hậu nhằm đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, duy trì ổn định và xây dựng hòa bình.
Các diễn giả cho rằng nguồn tài chính khí hậu được huy động đến nay còn ở dưới mức đề ra, trong khi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình xây dựng hòa bình và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu còn hạn chế.
Về vai trò của Hội đồng Bảo an, đại đa số ý kiến ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp cận và giải quyết khía cạnh an ninh của vấn đề này một cách toàn diện, trong đó có mối liên hệ với tài chính khí hậu. Một số nước khác kêu gọi Hội đồng Bảo an sớm đạt đồng thuận để thông qua một nghị quyết nhằm ứng phó với các thách thức về an ninh do sự tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan ngại về các thách thức của biến đổi khí hậu, khiến hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh xuyên biên giới, nhất là tại những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm công bằng và công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các cam kết tài chính khí hậu phải được thực hiện đầy đủ trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng khác biệt.
Nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang bị ảnh hưởng xung đột phải được xem xét một cách đầy đủ.
Đại diện Việt Nam kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp trong toàn hệ thống Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp tục thảo luận về an ninh khí hậu, vai trò của tài chính khí hậu trong ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và tái thiết sau xung đột.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo đảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tham gia các nỗ lực quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và tài chính khí hậu để ứng phó biến đổi khí hậu.
Họp theo thế thức Arria là hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham gia của các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các thành viên Liên hợp quốc ngoài Hội đồng Bảo an, các tổ chức quốc tế, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan./.