Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung (Bài 1): Cuộc đấu ngoài tâm bão

Thương chiến Mỹ - Trung khó kết thúc nhanh khi hai siêu cường kinh tế liên tục tạo bão bằng hành động và de dọa hành động. Những vòng xoáy mới liên tục xuất hiện, tràn qua, hủy hoại các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng thương mại toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở nhất nhì khu vực, là đối tác thương mại lớn của cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi hệ lụy nếu không có kịch bản ứng phó chủ động.
Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cần được thắt chặt trong bối cảnh rất dễ xảy ra tình trạng đội lốt hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU Đơn vị: Tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Ảnh: Đức Thanh Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cần được thắt chặt trong bối cảnh rất dễ xảy ra tình trạng đội lốt hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU Đơn vị: Tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Ảnh: Đức Thanh

Bài 1: Cuộc đấu ngoài tâm bão

Sau gần 2 năm xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị vạ lây do gian lận nguồn gốc xuất xứ và lẩn tránh thuế. Cuộc đấu ngoài tâm bão này căng thẳng không kém, với  ẩn họa nghiêm trọng.

Nguy cơ hiển hiện

Danh sách 13 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế đã được Bộ Công thương gửi tới UBND các tỉnh, thành phố. Danh sách được phân loại theo 4 mức độ cảnh báo.

Ở mức cao nhất là mức 4 (cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan), có gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng. Ở mức độ cảnh báo 3, có 6 mặt hàng, gồm đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.

Nguyên nhân là sự gia tăng đột biến về sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của các mặt hàng trên.

Ngay tại cuộc họp của Bộ Công thương để triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vào đầu tháng 7/2019, cả lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi đều nhấn mạnh đến sự tăng trưởng nóng của một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2019, trong đó có sản phẩm gỗ với mức tăng vài chục phần trăm. Họ lo ngại và đề xuất cần kiểm tra để làm rõ nghi vấn có gian lận, lẩn tránh, làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng lợi lớn từ xuất xứ.

Tính đến hết ngày 15/9/2019, tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 124,48 tỷ USD, tăng 4,7% (tương ứng mức tăng 5,6 tỷ USD) so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bởi trước đó, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) đã vào cuộc, tiến hành xác minh và đưa ra nhận định là có việc các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để xuất khẩu hoặc bán cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu sang Mỹ.

Thậm chí, Hải quan Mỹ đã phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó, đưa về nhà xưởng thay đổi nhãn mác xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp, nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Chưa bao giờ, việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ C/O phải được coi trọng như hiện nay, khi các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường chủ lực của Việt Nam có nguy cơ bị đội lốt rất nhiều. Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong 8 tháng đầu năm 2019, đã có 7 vụ điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra gồm nhôm, thép, ván ép, đồ gia dụng, thủy sản, pin mặt trời...

Phải nói thêm, 13 mặt hàng trong danh mục cảnh báo trên cũng chính là các mặt hàng mà Mỹ đã từng khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều năm trước và không chỉ một lần. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức áp cho các sản phẩm này của Trung Quốc đều rất cao.

Trở lại sản phẩm duy nhất đang ở mức cảnh báo 4 - gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, Bộ Công thương cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ.

Trong văn bản này, Bộ đã sử dụng số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) về việc năm 2018, sản lượng gỗ dán của Việt Nam vượt công suất của 36 nhà máy trong nước tới hơn 500.000 m3, cũng như nhắc tới nghi vấn nguồn gốc của 500.000 m3 này là do hoạt động thương mại.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công thương đã buộc phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt giải pháp, trước mắt là xây dựng và ban hành Thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam, sau đó tái xuất sang Mỹ, tiếp đó là xin ý kiến các bộ, ngành về xây dựng Thông tư quy định thương nhân xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ phải đăng ký mã số thương nhân xuất khẩu…

Cơ quan hải quan cũng đã đưa 4 doanh nghiệp trong số 6 doanh nghiệp mà Vifores cung cấp vào danh sách luồng đỏ để tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là các doanh nghiệp Việt Nam bị phía Mỹ nghi vấn và tiến hành điều tra do vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc. Danh sách gồm 2 doanh nghiệp ở Hà Nội, 1 doanh nghiệp tại Hưng Yên, 1 doanh nghiệp ở Nam Định, 1 doanh nghiệp ở Lạng Sơn và 1 doanh nghiệp ở Phú Thọ…

Các doanh nghiệp trong ngành đành chấp nhận thực tế sẽ phải kiềm chế tăng trưởng. “Nếu tăng trưởng càng nhanh thì nguy cơ lẩn tránh thương mại càng lớn, rủi ro vô cùng”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) thừa nhận.

Nhưng, điều này cũng có nghĩa, mục tiêu 20 tỷ USD xuất khẩu cho ngành gỗ cả nước vào năm 2025 (chiếm 10% thị trường đồ gỗ toàn cầu) và xa hơn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đồ gỗ của thế giới trở nên xa vời. Hiện Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ, sau Trung Quốc, Đức, Italia và Ba Lan, với khoảng 6% thị phần.

Vấn đề là những đòn “ăn miếng trả miếng” trong thương chiến Mỹ - Trung sẽ còn leo thang, nhiều ngành hàng của Trung Quốc sẽ chịu thuế đến 30%, nên chênh lệch thuế với hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam càng lớn. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nguy cơ chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, gian lận xuất xứ sẽ gia tăng mạnh, không dừng lại ở phạm vi ngành, lĩnh vực nào.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, thương chiến có một tác động tiêu cực mà ít người chú ý, đó là làm suy giảm hiệu ứng hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Lợi thế về thuế suất ưu đãi khi ký FTA (mà việc ký kết đánh đổi bằng nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài) chỉ phát huy khi doanh nghiệp có chứng nhận C/O hợp lệ.

Thậm chí, việc hàng hóa Trung Quốc gian lận xuất xứ là hàng Việt Nam đã khiến các “bên quản lý thị trường của Mỹ” xem nhẹ giá trị của các C/O và cảnh giác hơn với hàng Việt Nam.

“Nếu không có biện pháp xử lý tốt, các thị trường khác như châu Âu hoặc Nhật Bản cũng sẽ có cách tiếp cận khác với hàng xuất khẩu Việt Nam”, TS. Thành cảnh báo.

Có những doanh nghiệp ngoại “đắc lợi”

Bên cạnh việc “quá cảnh”  hàng hóa trực tiếp qua Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” đầu tư lấy C/O để xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Giới chuyên gia đã nhận định như vậy khi quan sát tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam từ đầu năm tới nay. Đặc biệt, có thể thấy, trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),  có nhóm sẽ hưởng lợi lớn từ thương chiến Mỹ - Trung.

Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung (Bài 1): Cuộc đấu ngoài tâm bão ảnh 1

Ảnh Shutterstock

Tính đến hết ngày 15/9/2019, tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 124,48 tỷ USD, tăng 4,7% (tương ứng mức tăng 5,6 tỷ USD) so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong nhiều nhóm hàng mà Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.

Khi nhiều nhóm doanh nghiệp ngoại hưởng lợi lớn, vốn đầu tư tăng, áp lực với các khía cạnh còn lại của nền kinh tế càng trở nên rõ rệt, như vấn đề tỷ giá, bài toán xuất xứ hàng hoá, và chiến thuật chỉ xuất không nhập của Trung Quốc.

Lúc này, câu hỏi “Việt Nam thực sự thu được gì từ cuộc thương chiến” đã dần ngã ngũ.

Vẫn câu chuyện của ngành gỗ, xuất khẩu của ngành gỗ vào Mỹ đạt 4 tỷ USD, nhưng ở mảng gỗ chế biến, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 43%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu thuộc doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc.

Thống kê cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, khoảng 60% dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ thuộc lĩnh vực chế biến gỗ, với 32 dự án. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 23 dự án, nhưng quy mô vốn chỉ hơn 2 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình mỗi dự án trong cùng kỳ năm 2018 (4,2 triệu USD).

Hay như ngành dệt may, Mỹ là thị trường mà doanh nghiệp Việt đang phải chia sẻ với doanh nghiệp Trung Quốc nhiều nhất (Mỹ nhập từ Trung Quốc 40%, từ Việt Nam 15%). Đợt áp thuế mới nhất với 267 tỷ USD đối với các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, điện thoại... tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu. Nhưng, hàng xuất khẩu lại chủ yếu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam không hẳn đã là nước hưởng lợi trong thương chiến này. Đặc biệt, sự dịch chuyển luồng vốn trong thương chiến có nhiều điều chưa chính xác. 

Theo bà Trang, vốn đầu tư nước ngoài đúng là đang rút khỏi Trung Quốc vì cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, họ cũng đang quay trở lại với chiến lược sản xuất ở Trung Quốc để tiêu thụ cho chính thị trường này. Những nhà đầu tư rút đi là những đơn vị xuất khẩu sang Mỹ.

Thêm nữa, vốn từ Trung Quốc chuyển đi sẽ đến đâu, các quốc gia khác hay Việt Nam, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, ngay cả khi Việt Nam được đánh giá là nước có môi trường đầu tư - kinh doanh cải thiện nhanh nhất (theo nghĩa tương đối).

Các diễn biến khó lường trong thương chiến Mỹ - Trung ngày càng tác động mạnh mẽ vào các ngành chế biến xuất khẩu của Việt Nam, trong những cuộc chiến ngoài tâm bão. Vấn đề là cơ hội hay rủi ro đã được nhận diện. Việc phòng ngừa và hạn chế những rủi ro trong thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ trong thời điểm nhạy cảm này phải được các bên liên quan, doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc đột ngột rời Mỹ sớm hơn dự kiến

Từ ngày 19 đến 20-9, đoàn đàm phán thương mại cấp thứ trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ nhóm họp tại Washington (Mỹ). Cuộc họp được cho là chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên tại Washington vào đầu tháng 10/2019 tới đây.

Bà Nicole Rolf, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc gia của Cục Nông trại Montana cho biết, ngày 20/9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu Trung Quốc bất ngờ thay đổi lịch trình và quay về nước sớm hơn dự kiến vài giờ.

Theo lịch trình, các quan chức Trung Quốc sẽ thăm các trang trại tại Montana và Nebraska ở Mỹ vào tuần sau. Đây là việc làm mang tính biểu tượng cho sự thiện chí, nhưng cuối cùng bị hủy vào phút chót.

(Còn tiếp)

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục